LỜI NÓI ĐẦU
Đây
chỉ là tiểu thuyết, loại tự truyện, về hành trình của một thanh niên
bắt đầu trưởng thành vào lúc đất nước chuyển mình tranh đấu thoát ách
thực dân Pháp ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến. Từ những giai đoạn lúc ban đầu,
khi toàn dân một lòng đứng lên quyết tâm chống trả mưu toan trở lại của
Đế Quốc Pháp đến những biến thiên hơn ba mươi năm kế tiếp, đây là một
đoạn lịch sử cận đại, bối cảnh của cốt truyện. Được cơ hội lớn lên vào
khoảng đầu Thế chiến Thứ Hai, người viết muốn ghi lại những gì mình đã
chứng kiến về các đổi thay trọng đại ở miền Nam. Đất nước đã tranh đấu
vuợt thoát từ chế độ thuộc địa trở lại vị trí độc lập, nhưng đã phải
hứng chịu bao nhiêu biến thiên, đổ nát.
Truyện được hư cấu căn cứ trên những
sự kiện có thật. Nếu trong sách có những trùng hợp về tên tuổi, địa
danh, xin người đọc tha thứ, coi đó chỉ là chuyện ngẫu nhiên vô tình.
Người viết muốn ghi lại cho thế hệ trẻ những sự việc đã đưa đất nước qua
những biến đổi đau thương mà những người có trách nhiệm lèo lái quốc
gia đã có thể tránh được nếu mỗi khi phải chọn lấy một quyết định chánh
trị, họ thật sự luôn luôn đặt quyền lợi và hạnh phúc dân chúng làm mục
tiêu tối hậu. Dân chúng Việt Nam đã hứng chịu bao nhiêu mất mát, khổ
cực, điêu linh do một số người nhân danh đảng phái hô hào sẽ đưa toàn
dân đến một xã hội tự do, bình đẳng trong một thế giới đại đồng. Việc
đáng trách là trong khi đó họ cũng đã có cơ hội chứng kiến các thảm bại,
khổ cực của dân chúng của các nước đang thực thi chế độ mà họ lại đang
mong áp đặt lên dân chúng Việt Nam!
Người viết muốn ghi lại được phần nào những gì mình đã trải qua trong một thời đất nước chuyển mình.
T.N.P.
Chương 1
Bên bờ Rạch Cát
Bên bờ Rạch Cát
Buổi sáng tinh sương ở Biên Hòa vào khoảng tháng Tám bao giờ cũng lạnh
so với các tỉnh miền đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi chẳng những ở
về phương Bắc lại còn là chốn khởi đầu của núi rừng miền Nam.
Triệu cùng ông ngoại ra ga Hiệp Hòa để đón chuyến xe lửa sớm buổi sáng
đi Sài Gòn. Đây là một nhà ga rất nhỏ, thường được gọi là ga tạm, giữa
hai ga lớn là ga Chợ Đồn và ga chánh Biên Hòa. Xe lửa Sài Gòn - Biên Hòa
chỉ ghé lại ga này vào chuyến sáng sớm và chuyến bảy giờ tối để công
chức, công nhân hoặc các bạn hàng có thể đi làm việc hay buôn bán ở Sài
Gòn.
Trời còn sớm, sương vẫn còn trải mờ mờ trên mặt đất. Các công, tư chức
làm ở các cơ quan chánh phủ hay các hãng xưởng kể như đều biết nhau vì
thường cùng đáp xe hằng ngày nên đã chụm nhau từng nhóm nhỏ cười đùa,
bàn chuyện thời sự ... Phần đông đều mặc âu phục, cổ thắt cà vạt vì là
cách ăn mặc hầu như bắt buộc của các thầy thông phán trước Đệ nhị Thế
chiến.
Trong giới bạn hàng, các phụ nữ chuyên mua bán cá thì rất thong dong vào
chuyến sáng vì gánh thúng không, chưa có cá, nên họ cười đùa rộn rã.
Chỉ có chuyến chiều về thì mới thấy họ mệt lả vì các gánh nặng trĩu, sau
khi bổ được cá ở chợ Cầu Ông Lãnh về bán ở các chợ Biên Hòa.
Từ ngày Triệu về Biên Hòa vì ông ngoại đã về hưu, dọn nhà từ Vĩnh Long
về miếng vườn nhỏ ở ấp Phước Lư, bên dòng Rạch Cát, một nhánh của sông
Đồng Nai, thì mỗi lần ông cháu có việc đi Sài Gòn, đều chọn khởi hành từ
ga tạm Hiệp Hòa cho tiện vì gần nhà.
Từ vườn nhà ra ga không bao xa, nhưng mỗi lần đi Sài Gòn, ngoại thường
thức rất sớm, khi tiếng chuông công phu khuya chùa Đại Giác ở Cù lao Phố
gióng lên và ngân rền trên sóng nước Đồng Nai. Lúc còn ở Vĩnh Long, một
tỉnh nhỏ nhưng ở ngay trong thành phố, Triệu thường bị đánh thức khi
thành phố bắt đầu rộn rịp xe cộ buổi sáng. Về Phước Lư, nửa tỉnh nửa
quê, chuông công phu khuya của chùa Đại Giác là đồng hồ báo thức mỗi
sáng, nhắc Triệu thức dậy, chong đèn dầu ôn bài để đến trường Tỉnh. Mỗi
lần thức dậy, đánh que diêm đốt đèn, mùi diêm sinh tỏa trong không khí
buổi sáng tinh sương có một hương vị là lạ mà Triệu không bao giờ quên
kể như suốt cuộc đời sau này.
Hôm nay là ngày đặc biệt vì ngoại đã toan tính từ lâu, sau khi Triệu
được trúng tuyển và có học bổng nội trú ở Trường Trung học Petrus Trương
Vĩnh Ký. Ngoại rất hãnh diện thấy cháu mình thi đậu cao, được tiếp tục
học sau khi đậu Sơ học ở trường tỉnh. Triệu mồ côi mẹ lúc lên năm và
ngoại đã đem Triệu và em gái Triệu về nuôi vì Ba của Triệu luôn đi làm
việc xa ở Cam Bốt.
Ngoại biết
cháu có học bổng, ở nội trú nhưng ngoại muốn đưa Triệu qua Sài Gòn để
giới thiệu với bà con, bạn bè xa gần để gởi gắm Triệu trong những ngày
sống xa ngoại.
Ông ngoại của
Triệu ngày xưa vốn quê ở Cù lao Phố, một địa danh đặc biệt, đã nổi tiếng
một thời khi Trần Thượng Xuyên, một dũng tướng nhà Minh, đã bỏ xứ lưu
vong vào lúc Trung Hoa bị nhà Mãn Thanh chiếm. Chúa Nguyễn đã chấp nhận
cho các danh tướng nhà Minh này vào lập nghiệp và khai khẩn đất miền
Nam. Dương Ngạn Địch chọn vùng Định Tường (Mỹ Tho) để lập nghiệp. Trần
Thượng Xuyên chọn đất Đông Phố và Nông Nại (Cù lao Phố) làm nơi dung
thân. Nếu Mạc Cửu là người đã được biết tiếng nhiều nhất vì đã có công
gầy dựng miền Hà-Tiên thành một miền trù phú, vang tiếng một thời về cả
thương nghiệp lẫn văn hóa, thì vùng Sông Phố cũng có một thời rất nổi
danh, trước cả Chợ Lớn, Sài Gòn.
Cù
Lao Phố có vị trí biệt lập, dễ cho việc phát triển và cai trị. Quốc lộ 1
ngày trước và thiết lộ Sài Gòn-Hà Nội xuyên qua đây bằng hai chiếc cầu
lớn: cầu Gành và cầu Rạch Cát. Giới giang hồ, trộm cắp ngày trước đều
tránh xa, không dám léo hánh đến cù lao này. Dân chúng đều biết mặt nhau
và rất đoàn kết trong mọi việc.
Đang đêm khi nghe có báo động
trộm cướp là cả làng thắp đuốc sáng, canh giữ hai cầu và suốt mặt sông.
Khi bắt được tội phạm, dân đem ra xét xử tại chỗ, xong cột đá vào kẻ
cướp và quẳng xuống cầu Gành, không cần báo cáo cho chánh quyền nào
khác!
Nhờ óc kinh doanh người
Trung Hoa nên kinh tế vùng Sông Phố phát triển rất mạnh. Ngoài sự trợ
giúp tài chánh cho chúa Nguyễn khi còn lập nghiệp trong Nam, các danh
tướng Tàu, đặc biệt Trần Đại Định là con của Trần Thượng Xuyên, còn trợ
giúp chúa Nguyễn về binh bị. Cũng vì thế nên khi Nguyễn Huệ vào Nam đánh
thắng Nguyễn Ánh, ông đã căm thù sự trợ giúp của người Trung Hoa nên đã
tàn sát dân chúng vùng Cù Lao Phố, thây trôi đầy sông, sau bao nhiêu
ngày nước mới trong lại được.
Ngoại
ngày xưa cũng là một học sinh xuất sắc, được tuyển chọn theo học trường
Bổn Quốc tức Trung học Chasseloup Laubat sau này. Ông thường vẫn nhắc
chuyện ngày trước, sau khi thi đậu được cấp học bổng, quần áo, giầy vớ
đều được trường cấp. Đồng phục màu xanh dương đậm, nút đồng vàng, cũng
do trường cho thợ may cắt cấp cho học sinh. Mỗi bận ông nghỉ hè về làng
Hiệp Hòa, dân trong làng rất hãnh diện có một học sinh vận đồng phục của
trường. Vì thuộc gia đình nghèo nên đang học nửa chừng thì tình nguyện
sang học và làm việc với sở Địa Chánh Nam Kỳ. Vào thời đó, Pháp vừa mới
ổn định được phần nào miền Nam nên thấy có nhu cầu phải thiết lập họa đồ
chính xác cho toàn miền. Các chuyên viên Pháp thấy nhu cầu cần gấp các
trắc lượng viên nên đã dành nhiều quyền lợi, lương bổng cho các thanh
niên được chọn để huấn luyện về ngành này. Sau khi tốt nghiệp, ông ngoại
Triệu đã được gởi đi hầu hết các tỉnh miền Nam để thiết lập địa bộ các
làng xã. Nhờ đó, tuy tuổi còn nhỏ nhưng Triệu đã biết tên rất nhiều địa
danh xa xôi miền Nam vì được nghe ngoại nhắc đến trong các câu chuyện
hằng ngày.
Hôm nay dắt Triệu
cùng qua Sài Gòn nhưng như thường lệ, hai ông cháu chọn xuống ga Phú
Nhuận, thay vì ra thẳng ga Chợ Bến Thành, vì ngoại muốn luôn dịp ghé
thăm các cháu nội cư ngụ ở vùng đó. Mỗi lần chuyến xe buổi sáng đến ga
Thủ Đức thì khung cảnh trên các toa náo nhiệt hẳn lên, vì các bạn hàng
bán các thức ăn cho các chợ Sài Gòn thường lên tàu ở ga này.
Thủ Đức vốn nổi tiếng từ xưa về
sản xuất nem chua và các thức ăn chơi khác như thịt nướng, bún, bánh
hỏi. Dân chúng từ Sài Gòn thường đáp xe lên đây vào các buổi chiều để
nhàn du và thưởng thức các món đặc biệt của địa phương nầy. Bạn hàng Thủ
Đức, ban ngày thường có lệ, đáp chuyến tàu sớm này, để bán các đặc sản
của họ ở các chợ Sài Gòn. Sau khi lên xe suông sẽ, họ thong dong bày dao
thớt, tiếp tục chuẩn bị sửa soạn tiếp các món hàng sắp đem ra chợ. Các
tay buôn thường là những người lão luyện lâu năm trong nghề. Thấy họ
cuộn từng bó rau lớn và xắt mỏng thoăn thắt mà phải phục tài. Những
người đáp xe chưa ăn sáng thường có cái lệ hay gọi các thức ăn vào
khoảng này, trước khi xe đến ga chợ Bến Thành.
Phú
Nhuận vào thời khoảng 1939 là một vùng rất thưa dân cư. Nhà cửa hai bên
đường Chi Lăng vào thuở ấy không có các phố xá như hiện nay mà phần
nhiều là những mảnh vườn nho nhỏ. Nhà phần đông cất kiểu nhà sàn thấp,
có lẽ vì đất đai còn rất ẩm. Nước dùng toàn là nước kéo từ các giếng,
chưa có nước máy như về sau này. Cậu của Triệu là con trai trưởng của
ngoại, tốt nghiệp Trường Sư Phạm, gần Sở Thú và được bổ nhiệm hành nghề ở
Nha Học Chánh Nam Kỳ ở đường Lê Thánh Tôn. Thay vì chọn chỗ ở gần nơi
làm việc, cậu Hai của Triệu lại về Phú Nhuận vì thích phong cảnh vườn.
Phú Nhuận lại là trạm chót của xe buýt từ Sài Gòn vô, lại có trạm gần
Nha Học Chánh nên sự di chuyển hằng ngày rất tiện lợi.
Nơi
trạm xe buýt khởi hành từ Phú Nhuận có một quán ăn người Trung Hoa rất
nổi tiếng về món thịt bò kho. Vào thời trước, chỉ có Sài Gòn là nơi hằng
ngày có bán thịt bò nhiều hơn cả, vì phần đông người Pháp và Âu đều tập
trung thủ đô miền Nam. Ở các chợ tỉnh nhỏ, các thớt thịt bò rất hiếm vì
ít người tiêu thụ, nên khó tìm ra loại thịt để nấu món đặc biệt này.
Gân, sụn nấu sao cho vừa đủ chín, không còn quá cứng nhưng cũng không
quá nhão, để thực khách khi ăn, vẫn còn thưởng thức được cái thú vị đang
cắn vào miếng gân, miếng sụn. Nghệ thuật là như thế, nên quán chỉ nấu
vừa đủ bán cho khách vào buổi sáng. Nếu bán còn dư, phải hâm lại thì món
ăn đã biến chất, không còn ngon như mới nấu lần đầu. Triệu đã được
ngoại giải thích và biết thưởng thức hương vị món bò kho từ thuở đó.
Riêng
về phần Triệu thì mỗi lần ghé Phú Nhuận như vậy, Triệu rất thích thú vì
nhà cậu Hai có rất nhiều sách, nhất là sách cho giới trẻ. Triệu đã bắt
đầu đọc được sách tiếng Pháp nên có thể tha hồ chọn và mượn đem về Biên
Hòa đọc. Sách tiếng Việt cho thanh thiếu niên vào thời trước thường rất
ít. Chỉ có loại Sách Hồng, phỏng theo loại Livres Roses của Pháp. Phụng,
con trưởng của Cậu và là chị họ lớn hơn Triệu đã biết được sự mê sách
của Triệu nên mỗi lần có dịp về thăm ngoại ở Biên Hòa, không bao giờ
quên soạn đem về một gói lớn sách cho thằng Triệu nó đọc. Chị không may
đã mất sớm vì bị bịnh sốt thương hàn. Sau khi cậu Hai của Triệu mất thêm
một đứa con trai khác cũng bị nhiễm bịnh ấy, nguyên do vì Phú Nhuận vào
thời trước chỉ dùng nước giếng, không được khử trùng như nước máy, nên
sau cùng phải dọn nhà ra vùng Tân Định. Ngày nay đã trên tám mươi tuổi,
hồi tưởng lại những ngày thơ ấu, Triệu vẫn nhớ đến nỗi vui mừng mỗi khi
đạp xe đạp ra ga nhỏ Hiệp Hòa để đón người chị họ từ Sài Gòn về nghỉ hè,
lúc nào cũng lo đem một bọc sách cho thằng em nhà quê !
Từ
Phú Nhuận, hai ông cháu Triệu đáp xe buýt ra vùng Chợ Cũ lựa những món
cần mua vì ở Chợ Cũ giá rẻ hơn ở chợ Bến Thành. Triệu cùng ngoại đi trở
về Đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ) để vào cửa hàng Charner là nơi
chuyên bán những vật dụng nhập cảng từ Pháp. Trong bản kê khai vật dụng
cá nhân mà Trường Trung học Petrus Ký bắt buộc học sinh nội trú phải
sắm, có việc phải gắn số đính bài vào áo quần để khỏi nhầm lẫn của nhau.
Thuở đó, chỉ có cửa hàng Charner mới nhập cảng loại số thêu này mà
thôi. Đó là những cuộn băng vải, có thêu số, chỉ cần được cắt ra, kết
vào áo quần, khăn, mền để biết sở hữu chủ là ai. Triệu đã được cấp cho
số 336, một con số định mạng, vì không hiểu vì sao, trong thời gian
trưởng thành, mỗi khi Triệu cần được cấp một số hiệu thì y như rằng, thế
nào trong số được cấp, bao giờ cũng có con số 3!
Việc
sắm vật dụng để vào học nội trú là cả một vấn đề cho gia đình bên ngoại
của Triệu, vì Ông ngoại nay đã về hưu. Muốn vào được nội trú học sinh
phải có đủ các món đã được ghi trong một bản kê khai dài. Triệu có cái
may là được người cô thứ Tư của Triệu đang có một tiệm may ở Long Xuyên
hứa sẽ cho những bộ áo quần phải sắm!
Trưa hôm ấy ngoại đưa Triệu đến
thăm giáo sư Cẩm là người bà con xa trong họ, đang là giáo sư Toán của
trường Petrus Ký. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, người gốc Thủ
Dầu Một, nét mặt rất cương nghị. Khi Triệu đến, gặp lúc ông đang loay
hoay với máy vô tuyến điện để tìm bắt tin tức các đài ngoại quốc. Ở Việt
Nam thời bấy giờ, các nhà buôn Pháp mới bắt đầu nhập cảng máy vô tuyến
truyền thanh nên người có máy còn rất hiếm. Đài phát thanh “Radio Sài Gòn”
lúc đó chưa có, nên nhà buôn Boy Landry tự đảm nhiệm luôn chương trình
phát tuyến cho dân chúng. Chương trình Pháp ngữ thường tiếp vận các đài
bên Pháp nên khá đầy đủ. Chương trình Việt ngữ lại rất nghèo nàn. Chỉ có
phần văn nghệ Việt thì sôi động vì đài khuyến khích dân chúng tham dự
trình diễn văn nghệ với việc tặng quà của các hãng thuốc lá Sài Gòn.
Chương trình thực hiện như Radio “crochet” bên Pháp. Người trình diễn, nếu kém tài nghệ hoặc bị đối phương cố tình phá, sẽ bị hội trường phản đối, đành phải trao trả micro,
rời sân khấu. Dân chúng gọi việc này là bị móc xuống. Các buổi phát
thanh Radio móc là những buổi vui nhộn và được người Việt thích nhất.
Giáo
sư Cẩm vừa tìm đài vừa cằn nhằn vì nhà ông ở đường Dixmude, gần đại lộ
Galiénie (Trần Hưng Đạo thời VNCH) là nơi có đường xe điện Sài Gòn - Chợ
Lớn. Mỗi lần xe điện chạy ngang là làn sóng bị phá rối không nghe được.
Trên bàn ông ngổn ngang sách Pháp. Triệu đọc thoáng qua thấy có nhiều
cuốn nói về Einstein là một bác học Triệu có nghe danh nhưng cũng có
sách Việt như quyển Tố Tâm và Tuyết Hồng Lệ Sử của tác giả
Song An Hoàng Ngọc Phách. Ông khen Triệu được trúng tuyển vào trường
nhưng cho biết phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn, vì trường là nơi tụ họp
của học sinh giỏi tứ phương miền Nam chớ không phải một xó xỉnh như Biên
Hòa. Thực dân Pháp chỉ mở có hai trường Trung học công ở Sài Gòn là
Petrus Ký cho nam và Nữ học đường cho nữ mà thôi! Ông bảo Triệu lên lầu
nhà chơi với con trai ông, để ngoại cùng ông nghe đài.
Sau
buổi chiều mua sắm thêm các vật dụng nhập học nội trú, hai ông cháu
Triệu lấy vé xe lửa ở ga Sài Gòn trở lại Biên Hòa. Như thường lệ, hai
ông cháu đã đến sớm để có thì giờ ghé tiệm bán sách cũ của một người
Trung Hoa. Ngang ga xe lửa Sài Gòn thời trước, có hai tiệm đặc biệt
trước ga: Một là quán cơm chay và hai là tiệm sách cũ. Người chủ tiệm
sách cũ này có thói đặc biệt là khi mua hoặc bán sách ông đều định giá
theo cân kí lô! Sách lựa xong, đưa cho ông xem để tính tiền! Sách cân
nặng thường được ông định giá cao. Các sách khác dẫu là sách có giá trị
nhưng không nặng kí, ông vẫn bán cho giá rẻ mạt. Triệu có cơ hội tha
được nhiều sách về nhà nằm đọc, học được nhiều điều hay qua sách vở, một
phần lớn đều do mua được sách quý với giá rẻ ở tiệm sách đặc biệt của
ông Tàu nầy!
Trên xe về Biên Hòa, Triệu thưa với ngoại:
-Nhà ông Cẩm có tiểu thuyết Việt, nghe đồn là hay nhưng làm sao dám mượn.
Ngoại đáp:
-Tiểu
thuyết đó là của các sinh viên, mang từ Bắc về. Tao cũng có hỏi qua ông
Cẩm nhưng ổng nói đó là sách kỷ niệm lúc đi học. Toàn là sách ủy mị,
lãng mạn. Ổng với tao nghe tin tức ngoại quốc. Chiến tranh thế giới có
thể sẽ xảy đến. Nhựt Bổn thế nào cũng sẽ đụng độ với Anh, Mỹ, Pháp. Xứ
sở mình không biết tương lai sẽ ra sao!
Ngoại ngồi tư lự trên xe suốt buổi. Triệu không dám bàn gì thêm cho đến
khi xe ngừng ga nhỏ Hiệp Hòa. Các chị mua cá từ chợ Cầu Ông Lãnh lật đật
xuống xe, nặng nhọc lầm lũi gánh cá về nhà để bán chợ sáng, không còn
đùa cợt vui vẻ như buổi sáng khi quảy gánh còn trống không qua Sài Gòn
bổ hàng.
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment