Lịnh phong tỏa Sài Gòn-Chợ Lớn được ban
hành. Nhiều truyền đơn, biểu ngữ đã được tung ra dán ở khắp các ngõ
đường, các xóm, các chợ... cấm tiếp tế thực phẩm cho thành phố, cấm buôn
bán với ngoại kiều... Các ngõ đường đưa vào thành phố đều được bít lại
bằng chướng ngại vật: cây đốn ngã, xe cộ, bàn ghế, tủ, bao cát... Thanh
niên Tiền phong mang tầm vông vạt nhọn, dân chúng, thầy thợ đều tình
nguyện ra gác các chốt ngăn chặn như ở Cầu Kiệu (Phú Nhuận), Cầu Bông,
Cầu Thị Nghè (Gia Ðịnh)... là những nơi Triệu đã lấy xe đạp đi thăm.
Triệu nghe đồn là các điểm ngăn chặn do quân nhân Cao Ðài đảm nhiệm trên
đường từ Tây Ninh về Sài Gòn cũng như các đường từ Lục Tỉnh lên do lực
lượng Bình Xuyên, là những nơi có trang bị vũ khí, có cả súng liên
thanh. Các điểm ở Cầu Kiệu, Cầu Bông thì rất xô bồ, xô bộn, chỉ có dao
mác, gậy gộc, vài cây súng săn hai lòng. Một vài người có dáng vóc chỉ
huy thấy có đeo súng ngắn và lựu đạn được coi là có mang vũ khí thực sự!
Triệu đang phân vân không biết nên
tìm cách nào để bắt liên lạc lại với các anh trong tổ chức Dân Quốc
Quân, thì bỗng nhiên có Ðức, một bạn học ở Ða Kao tìm đến xin tá túc và
cho hay tin ông Lê Văn Vững, thủ lãnh Thanh niên Tiền Phong vùng Ða Kao
đã bị bắn chết vào chiều 22 tháng 9, trước đêm quân Pháp ở Sài Gòn chiếm
các đồn bót và trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ. Triệu đã từng gặp ông
Vững nhiều lần ở trụ sở báo Tranh Ðấu của nhóm Ðệ Tứ. Ông cũng là người
phụ trách các lớp huấn luyện chánh trị cho nhóm thanh niên do ông Phan
Văn Hùm đề nghị khởi xướng. Triệu bàn với Ðức: bọn thực dân Pháp đã tìm
cách tiêu diệt các thủ lãnh Thanh niên Tiền Phong trước khi họ đảo chánh
Việt Minh. Ðức cãi lại liền: “Không phải Tây giết ông Vững đâu. Ðó là
tụi Tự Vệ Cuộc của Dương Bạch Mai. Tôi ở ngay trong xóm nên biết chắc
như vậy”.
Ðức là một người bạn đặc biệt của
nhóm Triệu. Mẹ anh là một người đàn bà góa, có cơ sở làm ăn ở Gò Công.
Ðể giúp Ðức tiếp tục học ở trường Petrus Ký, bà mua cho Ðức một căn nhà
lá nhỏ trong xóm Ða Kao, ở giữa khoảng đường Albert 1er và Ðất Thánh
Tây. Vào thuở đó, vùng nầy còn là vùng còn hoang vu, có ao, đầm ngập
nước. Mỗi tháng khi đến thăm Ðức, bà đổ đầy một lu gạo, đem cho thêm
mắm, muối, tôm khô, cá khô... và trả tiền trước cho một chị gánh nước
trong xóm để mỗi ngày phải đổ đầy một lu nước đặt trước nhà. Cái chòi lá
của anh vì thế được coi là một trụ sở biệt lập để bạn bè tự do đến
chơi, ăn ngủ khi cần. Triệu đã nhiều lần đến đây, những đêm mưa lớn,
thường rủ nhau ra các ao bắt nhái lột da, chỉ giữ lại hai đùi sau, gom
về nấu cháo ăn khuya với nhau. Những khi có chút ít tiền dính túi, Ðức,
Triệu và các bạn vào những lần thức khuya, bụng đói, có cái thú rủ nhau
đi ăn “cháo Lam Vồ”. Ðó là tiếng lóng của dân chúng nhà nghèo vùng Đa
Kao. Thuở đó, ngang rạp chiếu bóng Casino, bên kia đường có một cây lam
vồ, gốc khá lớn. Dưới gốc cây có một cái quán của một bà khoảng trên năm
mươi tuổi, chuyên môn bán nước trà Huế. Bà là người Biên Hòa, xứ núi có
nhiều cây trà hoang loại này ở các gò cao nên bà luôn luôn có được
nguồn cung cấp loại trà ít tốn kém này. Người đi đường, nhất là anh em
công nhân lao động, các anh phu xe kéo...
thường ghé vào quán bà để thưởng
thức một tô lớn trà nóng vừa được bà pha rót với nghệ thuật điêu luyện
lâu năm trong nghề của bà. Nếu lại gọi thêm một trái chuối hay một miếng
kẹo đậu phọng để hãm trà thì tuyệt! Giáo sư Phạm Thiều, mỗi chiều đi
dạy về, đạp xe đạp từ trường Petrus Ký ở tận Nancy về mãi Gia Ðịnh,
thường hay ghé quán trà bình dân này để nghỉ mệt và thưởng thức tô trà
pha đầy bọt của bà chủ quán. Ðến khoảng 6 giờ chiều thì bà dẹp bếp về
nhà nghỉ cho đến nửa đêm. Khi rạp Casino vãng suất hát chót đóng cửa, bà
lại gánh ra quán một nồi cháo trắng nóng hổi. Thức ăn kèm với cháo chỉ
là một dĩa nhỏ tôm khô có pha giấm! Món cháo vừa bình dân, vừa rẻ tiền
của bà được nhiều người thưởng thức nên bà thường bán dứt nồi cháo rất
sớm để về nhà nghỉ đêm. Dân lao động và đám học trò nghèo vùng Đa Kao là
khách hàng quen thuộc của bà chủ quán “cháo Lam Vồ”.
Trong xóm đó, dân du thủ du thực
cũng rất nhiều nên Nguyễn Văn Trấn, Lý Huê Vinh của Dương Bạch Mai đã
tuyển các tay sai cho Tự Vệ Cuộc Việt Minh trong bọn họ. Ðức đã biết mặt
dân nầy nên Triệu đã thấy ngán ngẩm trước việc thực dân chưa thấy trở
lại mà Việt Minh đã bắt đầu thanh toán đối lập rồi! Vài hôm sau, một bạn
khác ở khoảng giữa đường Albert 1er, tên T.N. cũng xác nhận tin ông
Vững bị bọn trinh sát của Việt Minh thanh toán. Anh và những người trong
xóm đã nghe thấy tiếng súng và đã đến nơi dò la tin tức. Nhiều bạn học
khác của Triệu cũng tìm đường thoát ra khỏi thành phố Sài Gòn vì nay
quân Pháp đã bắt đầu đi khám xét các khu phố, bắt bớ thanh niên, tìm
kiếm vũ khí... Nhiều bạn ở tỉnh xa, chưa tìm được phương tiện trở về
nhà. Triệu và các bạn ở Gia Ðịnh có cơ may tìm được nơi tạm trú là nhà
anh Trương Minh Kế, nơi mà anh em học sinh trước kia thường đến họp để
thực tập đồng ca hay trình diễn kịch nghệ do các sinh viên tản cư từ Hà
Nội về, truyền dạy lại để ra mắt giới thiệu với dân chúng Sài Gòn ở nhà
Hát Tây. Ðây là một nhà trong một mảnh vườn lớn, có căn sau rất rộng để
sinh hoạt hằng ngày. Cha của Kế là một công chức làm việc ở Bưu Ðiện Sài
Gòn. Ông thường vắng mặt luôn nên các bạn của Triệu đã được tự do,
thoải mái hoạt động ở căn sau nhà nầy. Một sinh viên, em của giáo sư
Phạm Thiều, đề nghị nên thành lập nhóm “Sinh viên, Học sinh Tân Bình” để
việc sinh hoạt có nề nếp, trật tự hơn, khi giao thiệp với các tổ chức
khác. Mặt trận Tân Bình, Phú Nhuận tương đối ít sôi động hơn các nơi
khác nên thanh niên được phân phối lo canh gác đề phòng bị quân Pháp tấn
công qua các ngã rạch cầu Bông, rạch Thị Nghè. Các mặt trận khác về
phía Thị Nghè, Khánh Hội, Nhà Bè, Chợ Lớn, đường lên Tây Ninh... thì
được các bộ phận võ trang phụ trách nên thường nghe tiếng súng nổ, nhất
là về đêm. Các toán của Bảy Viễn đã xâm nhập đốt chợ Bến Thành, đốt nhà
đèn Chợ Quán, tấn công vùng Chợ Cũ, bắn cả dọc theo đường Bonard (Lê
Lợi)..., thiêu hủy nhiều bồn xăng ở miệt Nhà Bè. Từ xa nhìn về thành phố
Sài Gòn, thường thấy khói lửa bay lên ở nhiều nơi.
Vùng Tân Ðịnh, xóm Pháp kiều Cité
Hérauld đã bị nhóm Tô Ký xâm nhập và rất nhiều thường dân Pháp, cả phụ
nữ, trẻ em đã bị tàn sát, khiến một số quân nhân Pháp đã điên tiết trả
thù đối với những người Việt chưa kịp tản cư, còn kẹt lại trong thành
phố! Nhóm Sinh viên - Học sinh Tân Bình được cơ quan phong tỏa thành phố
Sài Gòn chỉ định phụ giúp canh gác bên này rạch Cầu Bông, đề phòng quân
Pháp xâm nhập. Vùng nầy đất đai còn rất ẩm thấp, phần nhiều toàn là bùn
lầy với rất nhiều bụi ô rô, lá có gai nhọn, nên gác ở các nơi nầy cũng
là việc nhiều gian khổ. Các bộ phận có võ trang thì mai phục dài theo
đường Hàng Bàng cho đến dinh Tỉnh trưởng, trong những công sự cao ráo
hơn. Ngày 27 tháng 9, quân Pháp và Anh Ấn dự định phá vòng vây phong tỏa
tiếp tế thành phố nhưng đã phải đụng độ dữ dội với các lực lượng bảo vệ
vòng đai. Mặc dầu súng đạn kém và ô hợp nhưng với lòng quả cảm, dân
chúng đã quyết tâm chặn quân địch. Ðặc biệt, Triệu được tin ở mặt trận
Thị Nghè, Trần Văn Giàu chỉ tiếp tế cho các toán Việt Minh của Tô Ký, bỏ
mặc các nhóm công nhân chiến đấu Ðệ Tứ nên nhóm nầy đã bị rất nhiều
thiệt hại về nhân mạng. Chẳng những thế, Giàu còn định ra lịnh giải giới
các công nhân nầy vì họ đã chiến đấu không theo lịnh của Giàu? Tướng
Anh Gracey, trước tình trạng không phá được vòng vây của dân quân, đã
chỉ thị cho tướng Nhật Térauchi phải tham gia tái lập trật tự. Vì thế
nên ở mặt trận Hậu giang ở Chợ Lớn, dân quân đã bắt đầu phải đụng trận
với quân Nhật! Nhận thấy sự kiện chống đỡ của dân quân, muốn phá được
vòng vây, phải cần thêm nhân lực, thực dân Pháp đã đề nghị một cuộc
ngưng bắn. Ba đại biểu của Việt Minh gồm Phạm Văn Bạch, bác sĩ Phạm Ngọc
Thạch, Hoàng Quốc Việt đã đến họp với Tướng Gracey và Ðại tá Cédille,
đại diện cho Tướng Pháp Leclerc. Ngày 2 tháng 10 đã được chọn làm ngày
khởi đầu Ðình chiến. Thật ra trong thâm tâm nhiều người Việt, ai cũng
nghi ngờ đây chỉ là một kế hoãn binh của Ðồng Minh, để chờ đưa vào thêm
quân tiếp viện. Y như rằng, ngày 5 tháng 10, tướng Leclerc đến Sài Gòn,
tuyên bố là sư đoàn 5 Thiết giáp của Pháp sẽ được chở đến nay mai và
đồng thời Tướng Gracey cho biết 12.000 lính Gurkha của Anh cũng sẽ được
đổ bộ. Cuộc đàm phán như vậy có thể đoán là sẽ không đưa đến đâu. Ðây
chỉ là một thủ đoạn trì hoãn để chờ viện binh đang di chuyển đến tiếp
cứu. Sự thất bại là lẽ tất nhiên! Trong khi đó, ngoài việc cấp bách là
phải tìm cách phối trí lại lực lượng bao vây Sài Gòn, Trần Văn Giàu và
Dương Bạch Mai lại toan tính lợi dụng thời cơ này để chỉ thị cho các
toán bộ hạ đi lùng bắt, thủ tiêu những thành phần yêu nước khác nhưng
không thuộc đảng phái Cộng sản Ðệ tam của họ. Họ lo ngại các thành phần
nhân sĩ ái quốc đã từng có danh tiếng ở miền Nam có thể đứng ra lãnh đạo
cuộc chống Pháp thay vì họ là những người từ bóng tối, mới xuất đầu lộ
diện.
Các cuộc khủng bố trắng các phần tử
có khả năng đối lập với đảng Cộng sản đã được thực thi, hầu như theo
một kế hoạch đã được xếp đặt trước, khởi đầu bằng Huỳnh Văn Phương, Hồ
Văn Ngà, Bùi Quang Chiêu, Dương văn Giáo, Trần Quang Vinh, Bác sĩ Hồ
Vĩnh Ký và vợ là Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sương, Giáo sư Trần Văn Thạch, Phan
Văn Chánh, Nguyễn Văn Số v.v... Nhà viết báo được nhiều người biết tên
trong thời kỳ “Ðông Dương Ðại Hội” là Diệp Văn Kỳ đã dò biết trước ý
định của Trần Văn Giàu nên đã mặc áo tu, lên lánh mặt ở Tha La Xóm Ðạo
(Trảng Bàng) nhưng cũng đã bị các trinh sát của Việt Minh bắt và sát
hại. Cuộc đình chiến đã chánh thức bắt đầu từ ngày 2 tháng 10 thì đến
ngày 5 tháng 10, tướng Leclerc của Pháp đến Sài Gòn, đóng tư dinh tại
Phủ Toàn quyền Ðông Dương ngày trước, tuyên bố hạm đội Pháp sẽ tới trong
nay mai với quân đội, thiết giáp và sẽ ổn định tình hình trong một
tháng! Trong khi đó, 12 ngàn quân đội Anh-Ấn cũng đã ồ ạt được chuyên
chở đến. Khuya ngày 12 tháng 10, các toán quân Anh-Ấn, Pháp đã ồ ạt tấn
công qua các vùng Gia Ðịnh, Gò Vấp, và phía Bắc Sài Gòn cũng như đã phá
vòng vây về miệt Chợ Lớn.
Cuộc đàm phán trước kia đã thật sự
hoàn toàn thất bại và chỉ thật sự là một âm mưu hoãn binh. Cuộc tấn công
đã làm tan vỡ mặt trận Thị Nghè, Gia Ðịnh. Ðoàn Công binh Chiến đấu của
nhóm Ðệ Tứ đã bị thiệt hại nặng trong trận phá vòng vây này của địch
quân. Số còn lại đã lui về tập họp lại ở sở Xe điện Gò Vấp là căn cứ
xuất phát. Việc tập hợp tái tổ chức đang được chuẩn bị thì lại bị quân
Pháp đến bao vây tấn công. Mặc dầu vũ khí yếu kém và thô sơ, dưới sự chỉ
huy của Trần Ðình Minh, tức nhà thơ Hải Âu, các công binh chiến đấu đã
anh dũng chống trả dưới ngọn cờ đỏ vô sản, trong tiếng súng xen lẫn với
bản Quốc tế ca và bài Quân hành Công Nông Binh! Cuối cùng họ đã phải rút
về miệt Bàu Tràm, Mỹ Hạnh và cuối cùng về Lộc Giang, gia nhập các toán
Ðệ tam Sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp để cùng rút sâu vào Ðồng Tháp Mười.
Thi sĩ Hải Âu tức Trần Ðình Minh, từ Bắc vào Nam, đã anh dũng tử trận
ngày 13 tháng Giêng năm 1946 khi chạm súng với quân Pháp ở Mỹ Lợi (Cao
Lãnh). Dân chúng trong vùng đã chôn cất anh nơi đây. Ðó là trận chạm
súng cuối cùng của đoàn công binh kháng chiến sở đề-pô xe điện Gò Vấp!
Trần Ngươn Phiêu
No comments:
Post a Comment