Trong ý định tìm cách hướng dẫn đánh lạc tâm lý quần chúng, để họ quên
đi các biến chuyển thời cuộc, nhà cầm quyền thực dân Pháp đã bày vẽ
nhiều hoạt động mới ở Ðông Dương.
Nối theo kinh nghiệm đã thành công ở Hà Nội năm trước, Sài Gòn cũng rầm
rộ tổẩ chức một hội chợ triểẩn lãm tại vườn Ông Thượng để lôi cuốn dân
chúng đến vui chơi. Ðây là một cơ hội để trình bày các phẩm vật sản xuất
ở Ðông Dương với ý định tìm cách thay thế các sản phẩm từng phải nhập
cảng từ Pháp, trước chiến tranh. Phần lớn các món hàng này đều thuộc về
loại tiêu thụ thông thường như thuốc lá, nước ngọt, nước trái cây, quần
áo dệt trong xứ... Các trò chơi vui nhộn thì được chú ý bày vẽ rất
nhiều. Toàn thể họa đồ khu vực triển lãm được một kiến trúc sư Việt phác
họa, một kiến trúc sư mà tên tuổi sẽ được nhắc nhở rất nhiều về sau:
kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chánh phủ Cộng Hòa Lâm thời Miền
Nam trong thập niên 1970!
Decoux còn chỉ định Ðại tá Maurice Ducoroy thành lập Tổng cục Thể dục,
Thể thao và Thanh niên. Một trường Cao Ðẳng Thể Dục được thành lập ở
Phan Thiết (E.S.E.P.I.C. tức École Supérieure de l’Éducation Physique de
l’Indochine). Ðại tướng Dương Văn Minh khi chưa vào quân đội là người
đã tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường nầy.
Phong trào thể dục, thể thao nở rầm rộ để lôi cuốn thanh niên. Cuộc đua
xe đạp nối liền Nam Vang, Vạn Tượng, Hà Nội, Huế, Sài Gòn với các tay
đua Vũ Văn Thân ở Bắc, Lê Thành Các trong Nam là đề tài bàn tán hằng
ngày trên các báo hoặc ở các quán rượu, quán ăn... Các tổ chức thanh
niên được khuyến khích thành lập, nhằm phổ biến các lời kêu gọi của
Thống chế Pétain. Học sinh các trường được hướng dẫn tham gia các buổi
tập hợp đốt đuốc ngoài trời ở sân vận động Lareynière hay trước Thảo cầm
viên vào buổi tối.
Thừa cơ hội này, việc tổ chức đoàn ngũ thanh niên đã được các tổ chức
chánh trị âm thầm bắt đầu thực hiện. Các bài hát thanh niên cũng như các
bản âm mhạc cải cách rất hiếm vào thời buổi ấy. Anh Trần Văn Khê, sinh
viên đại học mới vừa học xong năm thứ nhất Y khoa ở Hà Nội về, ghé
trường cũ để tiếp xúc với học sinh. Anh đã trình bày cho đàn em các bản
tân nhạc hùng tráng: “Sinh viên Hành khúc” (Marche des Étudiants), “Bạch
Ðằng Giang”, “Lên đường”... của Lưu Hữu Phước. Anh quảng cáo mời học
sinh tham dự buổi ca, nhạc, kịch sẽ tổ chức tại Nhà hát Tây (Théâtre
Municipal) do phân bộ miền Nam của Tổng hội Sinh viên Ðông Dương thực
hiện. Các anh em trong toán của Triệu đã được Trần Văn Khê và các anh
khác tuyển chọn để tập trình diễn các hợp ca Sinh viên Hành khúc, Bạch
Ðằng Giang, Ải Chi Lăng... Lần đầu tiên, bản Con Thuyền Không Bến được
ra mắt ở Sài Gòn do một nữ sinh viên là chị Sương trình bày. Chị Sương
về sau sẽ là vợ anh Khê.
Anh em Triệu rất phấn khởi được góp phần đánh thức lương tâm giới thanh
niên bằng những bản hùng ca, khiến học sinh bắt đầu hãnh diện với lịch
sử và văn hóa nước nhà. Buổi trình diễn đầu tiên đã thành công rực rỡ và
được nối tiếp bằng nhiều lần khác. Trong toán của Triệu có anh Phạm Văn
Thanh là người có tiếng hâm mộ quân đội Nhật nên hôm trình diễn đã cạo
đầu trọc lóc, bóng loáng khi tham dự hợp ca “Bạch Ðằng Giang”. Sau đêm
ra mắt thành công đó, các anh em sinh viên đã nối tiếp tổ chức các buổi
diễn kịch: Ðêm Lam Sơn, Con Thỏ ngọc, Tục Lụy của Lưu Hữu Phước. Khán
giả Sài Gòn đã nồng nhiệt hoan hô luồng sinh khí văn nghệ mới.
Trong bóng tối, tổ chức Cộng sản đã theo dõi, nhận thức được trào lưu
làm sống lại tinh thần yêu nước của quần chúng do các sinh viên trí thức
trẻ thực hiện. Trần Văn Giàu do đó đã tìm cách móc nối với các sinh
viên từ Hà Nội về. Những lớp huấn luyện chính trị cho các toán thanh
niên thuộc đảng Tân Dân Chủ đã được tổ chức ở văn phòng tư của kiến trúc
sư Huỳnh Tấn Phát ở số 68-70 đường Mayer (Hiền Vương). Huỳnh Văn Tiểng,
Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Trương Công Cán... thường vẫn lui tới nơi
đây. Ngoài ra, một lớp huấn luyện khác, đông người hơn, cũng được Trần
Văn Giàu đảm trách ở Thị Nghè ở nhà dược sĩ Trần Kim Quan cho toán Thanh
niên Dân chủ của Tạ Bá Tòng, sinh viên đã từng hoạt động trong Thanh
niên Cứu Quốc khi theo học ở Hà Nội.
Kỳ nghỉ hè năm đó, các học sinh Pétrus Ký hai tỉnh Gò Công và Tây Ninh
đã cố tập luyện và đã trình diễn những buổi văn nghệ tương tự ở tỉnh nhà
để phổ biến các bản hợp ca và tân nhạc đến đồng bào địa phương. Lưu Hữu
Phước đã sáng tác một bài hợp ca riêng cho trường Petrus Ký bằng tiếng
Pháp: “Hymne au Lycée Petrus Ký”. Bài này được sự chấp thuận của Giám
đốc trường là Lejeannic. Vợ ông Lejeannic dạy nhạc nên đã giúp học sinh
trình diễn đồng ca ở nhà Hát lớn Sài Gòn. Bản hát được in sau khi được
Chánh sở Kiểm duyệt tên Marquis thông qua. Sau tháng 8 năằm 1943, nhân
dịp tổ chức Trại Suối Lồ Ồ, bài Hiệu ca Petrus Ký, lời Việt mới được lén
lút phổ biến.
Triệu và một số bạn hữu đã cùng nhau tổ chức các cuộc cắm trại ngoài
trời. Các túi đeo sau lưng của các hướng đạo sinh rất hiếm vào thời đó
vì giao thương với Pháp đã bị gián đoạn. Tuy nhiên ở đường Garcerie (Duy
Tân), có một tiệm may đồ da rất khéo, đã theo mẫu các túi cắm trại nhập
cảng từ Pháp để sản xuất trang bị cho hướng đạo sinh. Nhà sản xuất này
đã làm việc không ngừng vì phong trào du lịch, cắm trại được phát triển ồ
ạt. Trường đã đồng ý cho thành lập Ðoàn S.E.T. (Section d’Excursion et
de Tourisme) với sự tán thưởng của các giáo sư Roumégous, Lê Văn Huấn,
Lê Văn Cẩm... Ðoàn SET sau được đổi tên Việt thành Ðoàn Hùng. Học sinh
được chấp thuận cho mang phù hiệu trường do giáo sư hội họa Hồ Văn Lái
vẽ: một ngọn đuốc đỏ trên nền trời xanh dương, đường viền bên phải ánh
đuốc có hình chữ S của bờ biển Việt Nam.
Theo chỉ thị từ Pháp của chánh phủ Pétain gởi cho chánh quyền thực dân ở
Ðông Dương, phong trào “thanh niên khỏe” được Ducoroy phát triển mạnh
mẽ trên toàn cõi Việt, Miên, Lào. Các cuộc tập hợp, diễn hành của thanh
niên các trường Việt, Pháp kể ra tháng nào cũng có, khi ở sân Hoa Lư,
lúc khác ở sân vận động Richaud hoặc Lareynière. Học sinh Việt lúc đầu
thường phải đồng ca cùng học sinh Pháp các bài “Maréchal, Nous voilà”
(Thưa Thống chế, có chúng tôi đây), sau lại nhân cơ hội, bắt đầu hợp ca
các bài Việt: Lên đường, Sinh viên Hành khúc, Hiệu ca Petrus Ký...
Trường Petrus Ký có truyền thống tổ chức Lễ Tiễn Ông Táo, mỗi năm trước
khi về nhà nghỉ Tết. Lúc trường còn ở Nancy, Lễ được tổ chức ở phòng ăn
lớn. Khi về tạm trú cùng trường Sư Phạm ở Sở thú thì phải thiết lập sân
khấu lộ thiên vì ở đây không có phòng rộng có khả năng chứa đám đông học
sinh. Bắt đầu niên khóa 1941, trường có mở thêm ban Cổ điển cổ ngữ La
tinh như các trường ở Pháp. Học sinh theo lớp Métropolitain này được
chọn trong số thí sinh trúng tuyển cao của bốn trường công: Petrus Ký,
Nữ Học Ðường, Mỹ Tho và Cần Thơ. Giám đốc Lejeannic thường hãnh diện
khoe: lớp Métro này là thành phần ưu tú nhất của miền Nam. Giáo sư Pháp
tên Champion là người phụ trách chánh cho các lớp Métro này. Qua năm
sau, trường lại tổ chức thêm lớp Cổ điển Á Ðông. Lớp đầu gọi là 6è
E.O.(Classique D’Extrême Orient) được giao cho giáo sư Phạm Thiều phụ
trách. Vì thí sinh được tuyển lựa từ bốn trường công miền Nam nên lần
đầu tiên có các lớp hỗn hợp nam, nữ ở cấp Trung học. Lúc trước chỉ có ở
ban Tú tài mới có các nữ sinh như các chị Nguyễn Thị Sương, Mã Thị Chu,
Phạm Thị Danh...
Vợ của Giám Ðốc Lejeannic là giáo sư âm nhạỳc, năm đó có đề nghị một màn
kịch câm, nhân dịp Tết Ông Táo. Bà giới thiệu một nữ sinh lớp E.O. được
bà dạy vũ, tên Lý, quê ở Chợ Ông Văn, Mỹ Tho, người gốc Minh Hương, má
lúm đồng tiền, miệng cười duyên dáng rất đẹp. Triệu được chọn đóng vai
một thi sĩ, ngồi vò tai, bứt tóc không tìm ra thi tứ. Bỗng dưng một cơn
gió thổi qua làm lá vàng lả tả rơi và thi sĩ nhân đó, đã tìm ra thi hứng
để ghi rối rít những vần thơ vừa chớm nở. Nhìn trong đám lá vàng bay,
thi nhân chợt nhận thấy Nàng Thơ của mình hiện ra, nhảy múa theo một
nhạc điệu vĩ cầm réo rắt. Thi nhân vội chạy đến níu Nàng Thơ nhưng đã
trượt chân té bổ nhào, kết thúc màn kịch “Thi nhân và Nàng Thơ” trong
tiếng cười vui nhộn của khán giả.
Câu chuyện Nàng thơ, Thi sĩ từ sau đó là đề tài các bạn thường nhắc đến
để trêu chọc Triệu. Thường mỗi sáng, học sinh nội trú đứng trên lầu cao,
nhìn xuống sân xem các học sinh ngoại trú dẫn xe đạp cất vào sân sau
lớp học. Mỗi bận thấy Lý đi dưới sân, các bạn thường gọi lớn: “Nàng
Thơ”, khiến Lý thẹn thùng phải có những bước đi lúng túng.
Năm học đó là năm kết thúc bốn năm nội trú của Triệu, năm thi lấy bằng
Thành chung và ra trường. Một buổi chiều lộng gió, lá vàng bay tơi tả
trong một góc sân đã thật sự khơi dậy một xúc cảm mạnh trong lòng Triệu
khi nghĩ đến lúc phải xa lìa trường, xa lìa bè bạn. Nhà “thi sĩ” trẻ đã
nhân lúc trào lòng, làm bài thơ kỷ niệm:
NHỮNG NGÀY QUA.
Gió đến chiều nay lá rụng nhiều,
Nhìn trời lòng bỗng vướng đìu hiu:
Ngày qua... đã bốn lần thu đến,
Lá cuốn bâng quơ giữa nắng chiều
Ðã mấy năm qua ở chốn nầy,
Cùng nhau vui sống tuổi thơ ngây.
Một mùa thi đến như thu đến,
Bày cảnh chia ly, én lạc bầy.
Hôm nay lá rụng nhuộm sân trường,
Bỗng thấy lòng như rộn nhớ thương.
Bâng khuâng mơ tiếc ngày vui cũ,
Bao phút đời chưa tẻ ngõ đường.
Thu đến nhủ tôi giấc mộng rồi,
Cuộc đời vui trẻ đã mờ trôi.
Hôm nay nhìn lá quay trong gió,
Chỉ biết ngồi êm tiếc mẫu đời!
Vào thời khoảng nầy chiến tranh Nhật, Mỹ đã bắt đầu bùng nổ. Hạm đội
Nhật đã bất thần tấn công Trân Châu Cảng và thiêu hủy các phi cơ, tàu
chiến của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đang thả neo ở đây. Cuộc tấn
công mở màn chiến sự đã xảy ra vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, giờ
Honolulu. Riêng phần Triệu thì vẫn ghi trong tâm khảm là sự việc đã xảy
ra ngày 8 tháng 12 vì Nhật đã báo tin ngày thắng trận lịch sử này bằng
nhiều bích chương to lớn, vẽ chiến hạm Nhật với hai họng súng đại bác
đen ngòm, đặt trên dưới theo hình số 8. Giờ tấn công, theo quần chúng
Nhật và người châu Á, là ngày 8, theo giờ Tokyo.
Thân phụ Triệu vốn có nhiều kinh nghiệm trong ngành quản lý các khách
sạn lớn của Pháp, nay được đổi về Ðà Lạt để trông nom hai khách sạn
Langbian Palace và Hôtel du Parc. Ông đã từng quản lý khách sạn Majestic
ở Sài Gòn, sau được phái lên Cam Bốt lo cho các khách sạn ở Angkor Wat
và khách sạn Bokor vùng bờ biển Kép.
Nhân đó, lần đầu tiên Triệu được lên thăm cao nguyên nhân kỳ nghỉ hè.
Vào thời Pháp còn chiếm Việt Nam, từ Nam ra Trung hay Bắc phải có giấy
thông hành! Triệu náo nức chuẩn bị hành trình, nhưng khi nửa đêm đến ga
Tour Chàm (Phan Thiết) thì bị kẹt lại. Thiết lộ phải dành cho quân đội
Nhật ưu tiên chuyển quân. Hành khách dân sự phải đợi đến ngày hôm sau
mới có các chuyến dành cho dân chúng.
Trong chuyến tàu của Triệu có đoàn thanh niên cắm trại của một trường
Pháp. Trong khi chờ đợi ngoài trời sân ga, họ đã cùng nhau ca hát những
bản hành khúc vui nhộn. Nhưng về sau, trời càng khuya, tất cả đều mệt
mỏi. Bỗng nhiên có một thanh niên người da ngâm đen, vừa đàn guitar, vừa
hát bản “Tabou” của người Phi Châu rất trầm buồn. Bản hát như lời than
vãn của một sắc dân trên đà diệt vong. Lời hát vang trong không trung
lãnh thổ Chàm, một quốc gia đã có một thời thịnh trị, nay chỉ còn những
tháp di tích sừng sững trong đêm, xa xa ngoài sân ga, đã khiến Triệu bùi
ngùi nhớ đến hình ảnh các nông dân Việt bị thực dân Pháp xỏ tay nhau,
chở từ Mỹ Tho lên ga Sài Gòn đưa đi tù, sau các ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa
thất bại. Dân tộc mình nếu không tiếp tục đấu tranh, e sẽ có ngày bị xóa
tên trên hoàn vũ chăng?
Trong khi có những băn khoăn đó, tình cờ từ trong đám đông những người
ra ga đón thân nhân, có một bạn học cũ, tên Lai trước đã từng cùng học
cấp tiểu học ở Biên Hòa, chợt nhìn ra Triệu. Vì còn phải chờ thêm một
ngày, mà nhà anh Lai hơi xa nên anh đề nghị giới thiệu đến một chùa gần
đó nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau thức dậy, nhìn lên cổng chùa, Triệu mới
biết tình cờ, mình đã qua một đêm trong khuôn viên“Lý Viên Tự ”!
Ðến Ðà Lạt, Triệu thích thú được sống cạnh bờ hồ nên thơ của thành phố.
Ba của Triệu đã thuê được một nhà cạnh hồ, không xa với khách sạn
Langbian. Nơi đây thuở trước nguyên là một biệt thự hai tầng, được chủ
nhân sau biến thành một lữ quán có tên là Boite à Sardines (Hộp cá mòi).
Trên tường các phòng, có những cảnh vẽ bằng phấn đen (fusain) rất đẹp,
mô tả các hoạt động của thủy thủ, từ việc sinh sống trên chiến hạm đến
những lúc đi bờ. Bến tàu, các ngọn hải đăng, chiến hạm rẽ sóng ra khơi
là cảnh thường thấy trên các bức tường. Triệu được nghe ba Triệu cho
biết là người chủ quán đầu tiên là một thủy thủ hồi hưu, đã quen biết
bạn họa sĩ Hải quân danh tiếng này và đã nhờ vẽ hộ. Anh bạn này có thể
đến quán ăn nhậu suốt đời, khỏi phải trả một xu phí tổn. Cả nhiều tháng
năm, có lẽ vì Triệu đã ngắm nhìn các cảnh sống các thủy thủ nên trong
thâm tâm lúc nào cũng cảm thấy vướng mắc bao nhiêu mộng hải hồ.
Một buổi chiều, Triệu có dịp đi dạo và ngồi nghỉ chân trên một băng nhỏ ở
sân vận động ven hồ. Trời đã xế chiều. Một tiểu đội lính Việt, quân
phục kiểu triều đình Huế, chỉ được thấy ở Trung, sửa soạn lễ Hạ kỳ. Cờ
là cờ nền vàng, có một sọc đỏ theo chiều dài ở giữa. Ðây là “Cờ Bảo Ðại”
như dân miền Nam thường gọi khi thấy cờ phất phới ở Ðà Lạt. Khi điệu
kèn hạ cờ nổi lên, Triệu đã đứng lên nghiêm chỉnh chào lá cờ từ từ hạ mà
trong lòng bỗng thấy có một cảm giác lạ thường. Triệu đã từng có nhiều
cơ hội dự lễ chào cờ vào các buổi khai giảng niên học ở Petrus Ký.
Trường thường nhờ một đại đội lính và một đại đội quân nhạc từ thành Ô
Ma sang phụ trách nghi lễ thượng kỳ. Nhạc trỗi hùng hồn, sĩ quan chỉ huy
tuốt gươm trần sáng loáng dõng dạc truyền lịnh bằng tiếng Pháp, nhưng
Triệu không có cái cảm giác kỳ lạ, cảm động như lần đầu tiên được đứng
nghiêm chào cờ của đất nước mình. Với cái cảm giác lâng lâng đó, Triệu
về phòng ghi trong Nhật ký: “Hôm nay tôi đã cảm động tham dự một cuộc
chào cờ nghiêm chỉnh nhất!”
Anh, Mỹ và Trung Hoa đã tuyên chiến với Nhật. Chánh quyền Decoux đã phải
ký với Nhật một loạt các Hiệp ước quân sự về phòng thủ Ðông Dương. Thế
là Việt Nam đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến.
Quân đội Nhật đã lấn chiếm Mã Lai, Singapour, Borneo. Quần đảo
Philippines lần lượt bị chiếm đóng. Manila mất ngày 2-1-1942. Bataan
thất thủ sau ba tháng bị bao vây, 70 ngàn binh Mỹ bị bắt. Ngày 6 tháng 5
năm 1942, 60 ngàn binh Mỹ đầu hàng ở Corrigedor. Miến Ðiện cũng bị
chiếm đóng cùng với Nam Dương Quần đảo.
Nhật kể như đã hoàn thành ý đồ Ðại Ðông Á của họ nhưng vào tháng 6,
1942, sau ba ngày hải chiến, Mỹ với ưu thế không lực đã chận Hải quân
Nhật ở trận Midway. Bước tiến của Nhật Bản đã bị chùn lại từ đây trong
khi quân Ðồng Minh đã đổ bộ ở Bắc Phi Châu để đánh đuổi Ðức, Ý.
Chiến cuộc từ nay đã bắt đầu xoay chiều. Quân Ðồng Minh mở thêm chiến
dịch chiếm đảo Silicy. Phi cơ Mỹ đã bắt đầu oanh kích Hải Phòng và đường
xe lửa xuyên Việt. Ngày 6-6-1944, quân Ðồng Minh bắt đầu cuộc đổ bộ
lịch sử Normandie và từ đó tái chiếm nước Pháp. Ngày 24-8-1944, Sư đoàn 2
Thiết Giáp của tướng Pháp Leclerc tiến vào Paris. Ở Ðông Dương, vì e
ngại quân Ðồng Minh sẽ đổ bộ lên căn cứ hậu cần quan trọng nầy nên quân
Nhật đã bắt đầu chuẩn bị kế hoạch lật đổ chánh quyền thuộc địa Pháp.
Hồ Chí Minh bị Trung Hoa bắt giam cầm ở Liễu Châu, nay được Trương Phát
Khuê cho phép lên đường trở về Việt Nam để thực hiện kế hoạch “Hoa Quân
nhập Việt”.
Ở Mặt trận Âu châu, Quân đoàn 6 của Ðức đầu hàng Hồng quân Liên Sô ở
Stalingrad. Ðệ nhị Thế chiến đã bước qua giai đoạn bắt đầu kết thúc.
Mỹ đã chiếm lại đảo Guam và ở Phi Luật Tân, quân Mỹ đã đổ bộ lên Luzon.
Ðông Dương lại càng bị Ðồng Minh dội bom liên tục hơn. Trong đêm
5-5-1944, máy bay Mỹ định thả bom xuống khu bến tàu Khánh Hội nhưng bom
lại thả trật vào khu nhà lá Xóm Chiếu, gây nhiều đám cháy khổng lồ,
nhiều thiệt hại về nhân mạng. Học sinh được cho nghỉ hè sớm hơn hai
tháng. Kỳ khai trường niên khóa 1944-1945, học sinh nội trú trường
Petrus Ký được chuyển về Nữ Học đường. Các lớp học vẫn hoạt động tại
trường Sư Phạm.
Triệu thi bằng Thành Chung bị loại ngay từ kỳ Pháp ngữ nên trở lại học
năm thứ Tư nhưng phải ở ngoại trú. Sài Gòn lại bị phi cơ Mỹ giội bom
suốt ngày 12-1-1945 xuống phi trường Tân Sơn Nhất và khu Bến tàu. Ngày
15-2-1945, sứ quán Anh đường Norodom (đại lộ Thống Nhất) cạnh trường lại
bị đánh bom. Hiệu trưởng Taillade phải ra thông cáo cho bãi trường sớm
để học sinh trở về gia đình để chuẩn bị tham dự lễ Tết Ất Dậu.
Trần Ngươn Phiêu.
No comments:
Post a Comment