Triệu được người chú thứ Sáu từ Sa Ðéc lên đón tản cư về quê nội Sa Ðéc.
Ông nội Triệu muốn đem đứa cháu nội đích tôn ra khỏi vùng lửa đạn Sài
Gòn. Trên chuyến tàu Nguyễn Văn Kiệu đưa hành khách về Lục Tỉnh nhân dịp
này, có rất nhiều học sinh các trường tản cư về quê nên không khí rất
nhộn nhịp, vui tươi. Những bài hát mới của Lưu Hữu Phước như Bạch Ðằng
Giang, Dòng Sông Hát, Lên Ðàng đã được học sinh đồng ca đến mãi tận
khuya mới chấm dứt, để các người trên tàu được an nghỉ.
Quê nội của Triệu ở xã Mỹ Long, quận Cao Lãnh, một làng xa xôi ven biên
Ðồng Tháp Mười của tỉnh Sa Ðéc. Từ châu thành Sa Ðéc về làng phải dùng
phương tiện đò hay ghe, xuồng. Con đường bộ giao thông từ Hồng Ngự đến
An Hảo để tiếp nối vào Quốc lộ 4 đi Lục Tỉnh chưa được xây cất. Vào
chiều tối, vài nông dân trong làng có cái thú vui leo lên các ngọn dừa
cao, nhìn về hướng Sa Ðéc, đón xem đèn hải hành xanh, đỏ của các thuyền
tàu di chuyển trên Sông Tiền Giang lên hướng Cam Bốt.
Mẹ của Triệu nguyên là con của một công chức trước ở Sài Gòn, trưởng
thành trong khung cảnh thành thị. Sau khi thành hôn, về làm dâu trong
một gia đình nho phong, lễ giáo ở một thôn dã tít mù ven biên Ðồng Tháp,
quả cũng là việc phi thường. Ông nội của Triệu là một nhà Nho, thủ hạ
của Phan Ðình Phùng trong thời kháng Pháp. Khi phong trào tan vỡ, làng
mạc trong quận Kỳ Anh, vùng Ðèo Ngang bị Pháp thiêu hủy nên ông đã chọn
lưu lạc từ Hà Tĩnh vào Nam vì nơi đây đã có ông Bác của Triệu bị Pháp
lưu đày ở Nha Mân, Sa Ðéc. Ông nội của Triệu đã được cho làm giáo học ở
làng Mỹ Long hẻo lánh này. Ðến khi lập gia đình, bên bà nội của Triệu
vốn có tiếng tăm khá giả, đã tặng cho một sở đất rộng trên mười mẫu. Với
chí hướng cần cù, ông nội Triệu đã tạo nên một mảnh vườn và một thửa
ruộng để nuôi nấng một gia đình hơn mười hai con. Triệu nghe những người
trong làng hay nhắc lại là vào thuở trước, ông nội của Triệu mà dân
làng gọi là Ông Giáo đã có công khai phá mảnh đất hoang vu này thành
mảnh vườn đầu tiên trong vùng.
Ông đã dẫn đường khai lối cho sự phát triển về sau của nhiều người theo
dấu chân lập nghiệp. Cách bố trí để tạo dựng đất hoang thành vườn, đã
được nhiều dân chúng áp dụng. Dọc theo bờ sông, ông trồng vông gai để
ghe thuyền không thể cập bờ bừa bãi. Kế đến là trồng các hàng dừa để có
hoa lợi thường xuyên trong năm. Vì vườn nằm dọc theo sông cái, thường có
gió to nên ông lại trồng thêm một hàng me nước, thân cây có tiếng rất
dẻo để cản gió. Sau đó mới đào mương song song để trồng cam, quít vốn
chịu loại đất của tỉnh Sa Ðéc.
Tỉnh Sa Ðéc là nơi Pháp đã chỉ định an trí cho một số nhân vật cách mạng
bị Pháp đày vào Nam vì có liên quan đến phong trào Ðông Kinh Nghĩa
Thục. Ðặc biệt ngay tỉnh lỵ, có cụ Cử Vũ Hoành. Nhà Cụ thường có khách
và các đồng chí tứ phương đến thăm viếng. Pháp cho đặt gần nhà Cụ một
quán nước để nhân viên mật thám có nơi canh gác, theo dõi các khách tới
lui. Nhắc đến ông, chỉ cần gọi Cụ Cử thì dân Sa Ðéc đều biết. Cụ có dáng
ngồi và đi đứng đặc biệt: lưng lúc nào cũng giữ rất thẳng. Cụ thường
nói với con cháu: “Lưng tao thẳng vì tao không lòn cúi ai”.
Những nhà cách mạng bị Pháp đày vùng Sa Ðéc sống rất khắng khít với
nhau. Các chú của Triệu đều ở trọ nhà Cụ Cử khi đến lúc phải theo học
trường Tỉnh. Những ngày gần Tết, các chú sau khi đi giẫy mã các thân
nhân, đều có phận sự phải giẫy cho mộ của ông Phó bảng Huy, thân phụ của
Nguyễn Ái Quốc, trên đường từ làng đến quận Cao Lãnh. Vào thời đó,
Nguyễn Ái Quốc chưa mang tên Hồ Chí Minh. Ông Phó Bảng đã mất ở Cao Lãnh
trên bước đường luân lạc vào Nam. Sau năm 1975, từ một nấm mộ đất nhỏ
bên đường, giữa những nấm mồ vô chủ khác sau Miễu Trời Sanh, nay ngôi mả
lại được trùng tu, xây thành một lăng tẩm uy nghi, đồ sộ!
Triệu về quê nội, mang trong hành trang một sách tự học Anh văn
“L’Anglais sans Maitre” của Xavier de Bouges và bộ “Hán văn Tự học” của
Nguyễn Văn Ba. Gia đình bên nội của Triệu vốn từng tham gia các phong
trào cách mạng nên tiên đoán là thời cuộc thế giới và trong xứ sắp qua
nhiều biến chuyển, xáo trộn. Việc học hành có thể sẽ không suông sẻ như
trước.
Trong gia đình bên nội, đã từng có cái thông lệ là con cháu trưởng thành
được khuyến khích đi xa lập nghiệp, bay nhảy nhưng nếu gặp trắc trở
không may, có thể trở về co rụm lại trong đại gia đình bên nội, chuẩn bị
những bước tiến mới.
Người chú thứ Sáu có phận sự lên Sài Gòn đem Triệu tản cư về quê, vốn đã
có một thời gian sống ở Cam Bốt và Thái, hoạt động kinh tài cho các cơ
sở cách mạng. Chú là người sống độc thân, tham gia tranh đấu sau khi
được qua cái lò huấn luyện của cụ Cử Hoành, nên vẫn được ông nội Triệu
thương quý. Chú Sáu Triệu đã phải bỏ công việc làm ăn đang phát đạt ở
Nam Vang sau khi được ông nội của Triệu vì thương nhớ con nên gởi cho
chú một bài thơ:
Lóng nghe tàu thổi
Lóng nghe tàu thổi dạ trông con,
Chẳng thấy con về dạ héo von,
Nhỏ dại nào rời cha với mẹ,
Lớn khôn bao quản nước cùng non.
Trời Xiêm mắt ngó hơi chưa mỏi,
Ðất Thổ chơn đi dấu đã mòn,
Buôn bán nhịp rồi nghe cũng khá,
Lóng nghe tàu thổi dạ trông con.
Vì bài thơ của cha gởi nhắn nên chú Sáu của Triệu đã giao phó lại trách
nhiệm cho các bạn để trở về, chuyển hướng hoạt động để sống gần nhà.
Ngay trước khi rời Nam Vang, chú thấy trong ga ra còn một thùng xăng lớn
nên chở tặng một đồng chí thương gia. Hai người cùng đi trên xe nhưng
không may bị xe khác đụng. Xe cháy, chú thoát nạn, nhưng đồng chí ngồi
cùng xe bị chết cháy. Bao nhiêu của cải riêng tư của chú cũng bị thiêu
hủy. Pháp vốn đã từng theo dõi các hoạt động của các đoàn thể, nên truy
tố việc này như một cuộc thanh toán đảng phái. Vì vậy, chẳng những chú
của Triệu trở thành trắng tay, mà gia đình còn phải tốn kém nhiều tiền
của, tranh tụng trước pháp đình để chú thoát vòng tù tội. Trong gia đình
từ đó đã coi đất Miên là một miền đất linh thiêng như dân miền Nam
thường bảo nhau: “Nam Vang đi dễ, khó về”. Có lẽ vì mang trong đầu ý
nghĩ đó nên về sau này Triệu đã thoát nạn trong gang tấc khi có dịp hành
sử trên đất Miên trong dịp đưa Việt kiều hồi hương lánh nạn.
Ðược về sống ở đồng ruộng, xa hẳn thị thành, Triệu mới thực sự hiểu được
nỗi buồn khi trong đêm vắng, nghe được hồi còi tàu vang dội đưa đến từ
sông Cái xa xôi. Sau này lớn lên sống nhiều năm xa đất nước, những khi
nghe được còi tàu lanh lảnh báo hiệu để tránh nhau (Corne des brumes)
trong các đêm sương mù dầy đặc ở cửa biển Gironde, Bordeaux ở Pháp hoặc ở
vịnh San Francisco ở Mỹ, Triệu mới thấm thía nỗi buồn xa xứ. Mỗi lần
như vậy, Triệu luôn nhớ đến một đoạn thơ của người chú thứ Sáu thân mến,
một đời thương dân, thương nước, nhưng rồi cũng bị Cộng sản thủ tiêu vì
khác chánh kiến. Khi bôn ba trên đất Xiêm, đất Thổ, chú có bài “Ðất
khách gặp bạn”:
Ngàn dậm xa xôi gặp cố tri,
Nỗi mừng rơ rỡ biết mần ri!
Mặt ngơ ngẩn mặt trơ như gỗ,
Tay bắt chặt tay biết thốt gì.
Muốn hỏi bạn chừ về cố quốc?
Lại e tự tủi phận còn đi...
Mặc dầu mang tiếng là về làng tản cư tránh bom đạn, nhưng vì tất cả mọi
người trong đại gia đình đều có phân công phân việc hằng ngày nên Triệu
cũng phải có những giờ giấc học tập nhất định.
Mỗi sáng Triệu tự học Hán văn theo sách chỉ dẫn của Nguyễn Văn Ba. Ðây
là những giờ thích thú nhất vì tự do học được các thi, phú của các thi
hào danh tiếng như “Quy khứ lai từ” của Ðào Tiềm, hoặc “Tiền Xích Bích”,
“Hậu Xích Bích”... của Tô Ðông Pha... Sau hai giờ học tự do đó phải ăn
mặc chỉnh tề vì đến giờ học với ông nội. Sáng sớm khí trời còn mát nên
Ông lo việc vườn tược. Khi mặt trời đã lên cao, trời bắt đầu nóng, Ông
mới vào nhà giảng sách cho các cháu. Trong gia đình, có những buổi mọi
người phải mặc áo quần sạch sẽ mới được phép ngồi vào bàn. Ðó là vào giờ
cơm, để tỏ lòng biết ơn các nông dân đã sản xuất thức ăn và khi ngồi
vào bàn học để tỏ lòng kính trọng với bực hiền triết. Mặc dầu việc giảng
dạy được thực hành theo lối dạy cổ điển nên nhiều khi học rất ngán,
nhưng vì được nghe đi, nghe lại nhiều lần, những câu như “Ðại học chi
đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện...” nên kết quả
là những lời cổ nhân đã thật sự dần dần thấm vào tâm não nên không thể
quên được.
Buổi chiều, thời gian dành tự học Anh văn, Triệu được hoàn toàn tự do,
thoải mái tự sắp xếp công việc. Ở nhà quê, tối chỉ có đèn dầu dừa vừa đủ
sáng, không thể học hành gì được nên cả nhà thường phải đi ngủ sớm, chỉ
trừ bà nội Triệu lần chuỗi đọc kinh trước bàn Phật.
Sáng tinh sương, Triệu thích nhất là nằm nghe được tiếng ông Nội thức từ
sớm, vừa ngồi thưởng thức uống trà, vừa kể cho con cháu nghe những
chuyện hay, tích cũ, những kinh nghiệm Ông đã trải qua để hướng dẫn lớp
hậu sinh. Triệu và các con cháu trong nhà thường gọi các chuyện đó là
“Những bài học lúc rạng đông”, khó có thể quên được. Nhờ lối kiến trúc
cổ điển nhà ba gian, hai chái, đại gia đình cùng sống quây quần, nên
Triệu mới có được cơ hội được dạy dỗ như thế. Ngày nay, với kiến trúc
tân thời, nhà được xây cất với những phòng riêng biệt, cơ hội được cùng
học hỏi như vậy thật khó có thể thực hiện.
Cuộc sống tản cư êm đềm trôi qua. Ở quê, không điện, không có radio, chỉ
vài hôm có được vài tờ báo từ Sài Gòn gởi về, khiến Triệu mù tịt tin
tức.
Nhưng bỗng một hôm, có người liên lạc cấp tốc từ Sài Gòn về cho hay Nhật
đã lật đổ chánh quyền Decoux. Dân chúng quận Cao Lãnh gấp rút chuẩn bị
họp mít tinh. Những nhân vật cách mạng bấy lâu mai danh ẩn tích trong
vùng Cao Lãnh, sau cuộc đàn áp của Pháp vào thời Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nay
bắt đầu xuất hiện.
Những ý kiến chính trị khác biệt đã bắt đầu ló dạng. Một số đông dân
chúng vui mừng thấy chánh quyền thực dân Pháp đã bị lật đổ sau ngày 9
tháng 3 năm 1945, vua Bảo Ðại đã tuyên bố hủy bỏ các hòa ước bị Pháp bắt
buộc ký từ trước, một nội các Việt Nam sắp được thành hình... Nhưng
thỉnh thoảng cũng thấy ít nhiều truyền đơn dán ở các gốc cây, ở các chợ,
hô hào chống “phát xít Nhật”. Ðất Cao Lãnh là một trong các nôi cách
mạng miền Nam, những việc thay đổi thường bắt nguồn trước tiên ở đây.
Mặc dầu sau cuộc đảo chính Pháp, đại diện Nhật có tuyên bố là Nam Kỳ vẫn
giữ tình trạng không thuộc triều đình Huế nhưng vì không còn sự hiện
diện của chánh quyền cai trị Pháp nên các hoạt động chánh trị đã ào ạt
xuất hiện. Nhà cụ Cử Vũ Hoành lúc này tấp nập khách vì không ai còn sợ
bị mật thám Pháp theo dõi khi đến thăm cụ. Chú Sáu của Triệu được cụ
khuyên là nên trở lên Sài Gòn tìm hiểu thêm tình hình và nối tiếp hoạt
động. Triệu đã được chú cho tháp tùng, dự định sẽ thăm thành phố trong
một thời gian ngắn rồi về lại Mỹ Long.
Khi lên trở lại Sài Gòn, Triệu mới nhận thấy khí thế cách mạng đã thật
sự bộc phát trở lại. Không ai còn e dè bàn chuyện chính trị như trước
kia. Các tổ chức hội đoàn hoạt động bí mật trước kia nay đã công khai hô
hào dân chúng tham gia. Trong khi chú của Triệu đi suốt ngày gặp gỡ bạn
bè, hoặc tiếp xúc với các nhiều yếu nhân Nhật, Triệu được các bạn học
vùng Tân Bình, Gia Ðịnh móc nối để đẩy mạnh phong trào Truyền bá Quốc
ngữ . Mọi người đều ý thức phải lo ngay vấn đề giáo dục quần chúng để
chung lo củng cố nền độc lập vừa thấy ló dạng. Những buổi văn nghệ nhỏ
đã được tổ chức để giới thiệu và lôi cuốn những người còn mù chữ theo
học các lớp Truyền bá Quốc ngữ. Một giáo viên đã giới thiệu cho các buổi
trình diễn một học sinh cỡ sáu, bảy tuổi nhưng có một giọng hát hấp
dẫn, trong suốt như pha lê. Mỗi lần trình diễn, phải bắt một ghế cao để
ca sĩ tí hon này đứng hát cho thiên hạ nghe. Giới bình dân rất tán
thưởng khi nghe em ráng gân cổ hát bài: “Gieo Ánh Sáng”
Lòng vui sướng, anh em ơi, tim thấm nồng,
Tình đồng bào, trai đời mới,
Sao cho nên tiếng trai,
Cùng đi gieo khắp nơi
Vào lòng người đọa đầy
Cùng đi gieo khắp nơi chữ ta
Nơi hương thôn tối tăm
Ðời mịt mù xót xa,
Tiếng kêu than, tiếng kêu vang, đồng quê.
Ðánh thức giấc toàn dân
Chìm đắm trong cơn mê
Nhọc nhằn mới nên danh Thanh niên!
Mấy chục năm về sau, Triệu gặp lại em ca sĩ tài hoa nhưng nay lại là một
danh tướng của quân đội VNCH đã đánh một trận để đời trước khi miền Nam
mất hẳn về tay Cộng sản: “Trận Xuân Lộc”. Ðó là tướng Lê Minh Ðảo.
Nỗi vui mừng lớn nhất vào thời buổi này là hôm tiếp đón các nhà cách
mạng bị đày từ Côn Ðảo trở về. Bác sĩ Trần Tuấn Phát đã được Thủ tướng
Trần Trọng Kim ủy nhiệm liên lạc với Nhật để tổ chức chuyến tàu đưa các
nhà ái quốc bị Pháp lưu đày ở Côn Sơn trở về đất liền. Xe đưa các cựu tù
nhân từ bến tàu Khánh Hội về Tòa Thanh tra Lao Ðộng đường Trần Hưng
Ðạo. Các bạn trẻ học sinh Petrus Ký đã nhận được ngay hình dáng cao lêu
nghêu với gương mặt phúc hậu của giáo sư Trần Văn Quế. Gia đình giáo sư
đã phải tranh đua với đám thanh niên đang mừng thầy thoát nạn, mới kéo
được giáo sư về nhà.
Các đoàn thể hoạt động nổi bật lúc bấy giờ là Cao Ðài với tổ chức bán
quân sự Hei Ho. Giáo phái Cao Ðài đã được móc nối từ trước với Ðức Kỳ
Ngoại Hầu Cường Ðể nên đã tuyển chọn nhân công phụ trách đóng các tàu
cây chuyên chở cho quân đội Nhật ở bến Khánh Hội. Ban đêm, các công nhân
đóng tàu được huấn luyện thành đội ngũ quân sự.
Một nhân vật khác là ông Hồ Văn Ngà đã tổ chức Ðảng Việt Nam Quốc Gia,
nay có cơ hội công khai phát triển đảng thành đảng Quốc Gia Ðộc Lập. Ông
là một trong 19 sinh viên Việt Nam đã bị Pháp trục xuất về Việt Nam
trên tàu Athos II, rời cảng Marseille ngày 24 tháng 6 năm 1930, sau cuộc
biểu tình trước Ðiện Élysée, nơi cư ngụ của Tổng thống Pháp, để kêu gọi
giảm án cho các liệt sĩ Yên Bái bị kết tội tử hình. Cùng đi trên tàu về
nước là những gương mặt sáng giá trong lịch sử chống thực dân Pháp: Tạ
Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu, Huỳnh Văn Phương...
Sau ngày đảo chánh Pháp, chánh quyền Nhật ở Nam Kỳ do Thống đốc Minoda
đại diện đã có ý định tổ chức thanh niên như thời Ducoroy. Lãnh sự Iito
được bổ sung làm Tổng ủy viên Thanh niên và Thể dục Ðông Dương. Iito đã
nhờ Hồ Văn Ngà phụ trách. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Tổng Bí thơ của đảng
Quốc gia Ðộc lập được Hồ Văn Ngà phối hợp với các nhân sĩ như Kha Vạng
Cân, Nguyễn Văn Thủ, luật sư Thái Văn Lung.... để tổ chức Thanh Niên
Tiền Phong.
Ngày 18 tháng 3, 1945 tức hơn một tuần sau ngày Nhật đảo chánh 9 tháng
3, lần đầu tiên ở Sài Gòn đã có một cuộc biểu tình khổng lồ, công khai,
trên 50.000 người ở sân thể thao Vườn Ông Thượng. Dân chúng Sài Gòn đã
nô nức hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Văn Ngà tham dự lễ tưởng niệm các
nhà ái quốc Hoàng Hoa Thám, Phan Ðình Phùng, Phan Châu Trinh, Nguyễn
Thái Học, Nguyễn An Ninh, Dương Bá Trạc. Hài cốt hỏa thiêu của Dương Bá
Trạc đã được ông Trần Văn Ân gởi về từ Chiêu Nam (Singapour). Một bàn
thờ Tổ Quốc với một đại kỳ màu vàng trên có khắc hai chữ Việt Nam đỏ
chói được dựng lên giữa sân, khói trầm nghi ngút. Lần lượt lên diễn đàn
có: Hồ Văn Ngà chủ tịch Việt Nam Quốc gia Ðộc lập Ðảng, Trần Quang Vinh
đại biểu Cao Ðài, Nguyễn Vĩnh Thạnh đoàn trưởng Cận vệ quân và Nội ứng
Nghĩa binh (đã cộng tác với quân đội Nhật trong ngày đảo chánh Pháp),
luật sư Diệp Ba... Những lời kêu gọi dân chúng tham gia cùng đứng lên
củng cố hàng ngũ quyết tâm xóa tan tàn tích thực dân Pháp, những lời tha
thiết tưởng niệm các nhà ái quốc đã từng hy sinh cho đại cuộc chống
ngoại xâm, đã được hùng hồn nói lên trong bầu không khí tự do, phấn khởi
của một dân tộc không còn e dè, lo ngại kẻ thù như trước. Triệu đã thấy
lòng tràn ngập một niềm hãnh diện vô biên trước tương lai xán lạn của
đất nước. Triệu nâng niu tờ truyền đơn in trên giấy đỏ hồng, kêu gọi dân
chúng tham gia mừng ngày nước Việt vừa thoát ách thực dân. Ðể đánh dấu
ngày lịch sử, Triệu đã trân trọng dán tờ truyền đơn vào Nhật ký.
Phong trào Thanh Niên Tiền Phong đã vô cùng sôi động, lôi cuốn quần
chúng thanh niên, thanh nữ. Ðầu đội nón rơm to vành, đồng phục áo sơ mi
tay ngắn trắng, quần sọt xanh dương sậm, trang bị tầm vong vạt nhọn, các
đội ngũ thanh niên đã hăng hái xuổng cuốc giúp dọn dẹp các khu dân cư
đổ nát vì bom đạn. Những buổi tập hát đồng ca hành khúc tuổi trẻ, các
buổi huấn luyện cứu thương đã là những dịp để thanh niên bắt đầu ưa
thích hoạt động tập thể.
Triệu đã có được dịp về quê ngoại Biên Hòa để sinh hoạt chung với các
bạn học cũ. Ðây là thời kỳ tân nhạc được phổ biến và được dân chúng
hưởng ứng, tán thưởng. Tuy nhiên, vì trong chương trình học thời bấy
giờ, không có giờ dạy nhạc, nên người có kiến thức về nhạc còn rất hiếm.
Các bài hành khúc được học và truyền lại, tam sao thất bổn. Triệu và
các bạn được phái đi các xóm để dạy lại cho đồng nhất. Triệu vẫn còn nhớ
mãi những ngày được một giáo viên vùng Hóa An mời về làng để dạy hát
cho toán thanh niên ông phụ trách. Ông nhận thấy là những bài hát ông
được nghe ở tỉnh Biên Hòa nó khác xa những bài của các toán của ông.
Triệu đã xách đàn mandoline về làng dạy lại nhưng phải tế nhị gây cảm
tình để không làm mất lòng những người đã có công dạy trước. Sau buổi
lửa trại đêm đầu đến làng, không mùng màn mà trời về đêm ở Biên Hòa
thường rất lạnh nên Triệu đã trăn trở không ngủ được. Ðến giữa khuya mới
thấy cuộn chiếu quanh người theo dân chúng thường làm, cũng được ấm
không thua gì được đắp mền bông. Người nông dân Nam Bộ hay chun vào nóp
ngủ, vừa tránh được muỗi mòng lại rất ấm áp. Không hiểu vì sao dân miền
núi Biên Hòa lại không dùng nóp?
Không khí chính trị tại Sài Gòn đã khởi sắc náo nhiệt vì các báo nay
được tự do phát biểu ý kiến, không còn bị kiểm duyệt gắt gao như thời
Pháp. Ông Trần Văn Ân đã từ Chiêu Nam trở về và chủ trương tờ Hưng Việt,
được coi như tờ báo phát ngôn chánh thức của Hồ Văn Ngà. Báo Thanh Niên
của nhóm Huỳnh Tấn Phát, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Nghệ ra đời năm 1943
nhưng bị Pháp đóng cửa sau năm 1944, đã thấy xuất hiện trở lại, lời lẽ
không còn phải e dè như thời còn Pháp. Các ý kiến đã thấy có chiều thay
đổi vì các anh em sinh viên trong nhóm Tân Dân Chủ, nghe đồn nay đã theo
các lớp huấn luyện chính trị của Trần Văn Giàu và được dược sĩ Trần Kim
Quan yểm trợ phương tiện. Các buổi học tập do Trần Văn Giàu và Nguyễn
Văn Nguyễn phụ trách thường được tổ chức ở văn phòng kiến trúc sư Huỳnh
Tấn Phát ở 68-70 đường Mayer ( Ðường Hiền Vương). Việc gì cũng được nhóm
Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng đến hỏi ý kiến của quân sư Trần Văn
Giàu.
Huỳnh Văn Tiểng có viết trong quyển “Làm Ðẹp Cuộc Ðời” (Nhà Xuất Bản
Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội- 1995, trang 113-114) về việc đã cùng Huỳnh
Tấn Phát đến gặp luật sư Huỳnh Văn Phương, chú ruột của Huỳnh Tấn Phát,
sau ngày Nhật đảo chánh Pháp. Theo Huỳnh Văn Tiểng, ông Phương có nói:
“Tao định sẽ ra làm việc với Nhật. Vì lúc này Việt Minh chưa thể ra
được. Tụi bây nói với mấy anh trên việc này. Các anh có cần gì, cho tao
hay, tao sẽ tìm cách đáp ứng”. Sau đó Phát và Tiểng đã báo cáo lại với
lãnh đạo, thì được trả lời: “Ai làm gì cho đất nước có lợi cho lúc này
thì cứ làm”, đồng thời nêu việc cần làm gấp là thay đổi tức khắc bộ máy
công an của Pháp để lại và việc cần được trang bị súng. Những người bị
Pháp bắt lúc bấy giờ như Trần Văn Trà, Bùi Văn Dự... đã được Huỳnh Văn
Phương trả tự do. Huỳnh Văn Tiểng và Huỳnh Tấn Phát có đêm đã đem xe lớn
vào bót Catinat chở súng ngắn mới mà ông Phương đã đào tìm ra được vì
cò Bazin đã chôn giấu trước khi Nhật đến chiếm. Ông Phương còn để cho
Thanh Niên Tiền Phong được sử dụng sân tập bắn của cảnh sát ở Chợ Quán.
Thế mà về sau, ngay vào những ngày đầu mở màn cuộc Kháng Chiến Nam Bộ,
Trần Văn Giàu đã cùng với Nguyễn Văn Trấn xử tử Huỳnh Văn Phương ở Tân
An vì tội “cộng tác với Nhật”!
Tờ báo La Lutte của nhóm Ðệ Tứ vào thời buổi này được xuất bản với tên
Việt: Tranh Ðấu, có biểu hiệu là hình trái đất tròn, giữa có ánh sét
chớp như số 4. Ông Phan Văn Hùm, trước bị Pháp xử biệt cư ở Tân Uyên (
Biên Hòa) nay đã về lại Sài Gòn, thường xuyên có mặt để lo cho tờ báo.
Triệu thường theo bạn là Phan Phục Hổ, con ông Hùm đến đây vì thích thú
theo dõi nghề làm báo. Hổ và Triệu là hai tay “chạy hiệu” không công,
khi ông Hùm cần liên lạc trao đổi giấy tờ trong thành phố. Nơi đây Triệu
thường nghe nhiều bàn luận về một nhân vật mà Triệu có được nghe biết
tiếng là Ông Huỳnh Phú Sổ, giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo. Người thường có
mặt ở tòa soạn là ông quản lý Lê Văn Vững. Ông cũng là một thủ lãnh
Thanh Niên Tiền Phong vùng Da Kao. Phan Văn Hùm mỗi lần thấy ông Vững
đến dựng xe đạp trước cửa nhà báo, thường hay gọi đùa “Anh Thủ lãnh đến
rồi”. Một hôm có mặt Tạ Thu Thâu và Trần Văn Thạch, ông Vững cười nói:
“Các cha cứ lo bàn đại sự mà chưa lo đến đào tạo tổ chức thanh niên”.
Ông chỉ vào Hổ và Triệu và nói thêm: “Các anh không lo huấn luyện ngay
từ bây giờ mấy thằng “cóc keng” như hai thằng này, ngày sau ai giúp sức
các anh. Không lẽ Phạm Ngọc Thạch nó lo tổ chức thành lập Thanh Niên
Tiền Phong để nó dâng cho các anh sao?”.
Ông Hùm nói thêm: “Còn bao nhiêu việc phải lo. Mỗi tối nghe radio tin
tức thế giới dồn dập chiến sự, Ðồng Minh đang trên đà thắng Phát xít,
phải lo chỉnh đốn gấp hàng ngũ anh em. Chuyện tổ chức thanh niên gấp đó,
các anh em lo giùm một tay. Còn chuyện lớn hơn nữa là tổ chức quần
chúng nông dân, chưa làm tới đâu hết!”. Trần Văn Thạch hỏi ông Hùm: “Anh
từng nghiên cứu Phật Giáo, ý kiến anh về Huỳnh Phú Sổ ra sao?”.
Ông Hùm:
- Tôi viết nhiều về Duy vật Biện Chứng pháp, không phải là người Duy
tâm, nhưng nhiều khi có những chuyện không hiểu được. Ban đầu tôi cũng
nghi ngờ Huỳnh Phú Sổ, nhưng không hiểu với tuổi còn trẻ và học thức cỡ
Sơ học, làm sao ông Sổ lại có được kiến thức Phật giáo rất uyên thâm,
dịch rất sát các lời chú nguyện và kinh Phật, làm được cả thơ chữ Hán?.
Cách thực hành Phật giáo một cách bình dân của ông là theo Phật Thầy Tây
An, nhưng đó mới thật là đúng lời Phật dạy, không thờ phượng hình
tướng, không xây dựng chùa chiền, không sử dụng chuông mõ. Nói về cả
Phật Thích Ca, anh Thâu là dân thích Toán và Khoa học, anh nên nhớ là
hơn 2400 năm về trước, với khả năng quán chiếu, Phật đã biết trong chén
nước uống có bao nhiêu sanh vật tí ti, Phật đã biết vũ trụ có trên ba
ngàn đại thiên thế giới trong đó giải ngân hà của mình chỉ là một đơn vị
nhỏ nhoi. Mình không muốn đụng đến một tôn giáo khác nhưng phải nói
trong lúc đó, ngay khoảng thế kỷ 14, các ông tu sĩ giáo phái nầy vẫn còn
lay hoay kết tội những người như Galilé, đã khám phá là trái đất tròn
và quay xung quanh mặt trời. Sau cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa thất bại, nông
dân đã quy tụ theo ông Huỳnh Phú Sổ. Nay có hằng triệu tín đồ nông dân
được ông giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo hướng dẫn theo tinh thần công bình
xã hội. Không giúp ông Sổ, coi chừng tụi staliniên nó nhảy vào chớp hết.
Ông Thạch nói đùa:
- Người ta gọi anh Hùm là ông ba rưởi thiệt rất đúng: Ðệ tứ không ra Ðệ tứ, Ðệ tam nó cũng không ưa.
Lê Văn Vững thêm vào:
- Tôi và anh thợ trồng răng (Ouvrier dentaire) Lê Tường Khai, tụi tôi ở
gần rạp Asam và Casino Dakao xin làm chứng việc này: Mấy lần anh Hùm đọc
diễn văn ở rạp Casino, vợ ảnh, chị Mai Huỳnh Hoa là người to tiếng nhất
hô: “Ðả đảo Phan Văn Hùm”.
Tạ Thu Thâu cười nhưng nghiêm nghị:
-Tôi cần đi ra Bắc trong nay mai, xin nhờ anh Hùm cho tôi gặp lại ông
Huỳnh Phú Sổ trước khi đi. Mình cũng nên làm các điện văn kêu gọi Pháp
thả về nước ông Phạm Công Tắc bên Cao Ðài và hai anh Ngô Chỉnh Phến cùng
Ðào Hưng Long của mình còn bị tụi nó giam ở Madagascar.
Ðó là lần chót Triệu còn ghi trong ký ức hình ảnh giáo sư và nhà ái quốc
mang kính cận thị nặng, da ngăm đen, mình cao trên hơn một thước bảy
(1), lãnh tụ Ðệ Tứ Việt Nam: Tạ Thu Thâu.
(1) Một nhà văn có viết về “Tạ Thu
Thâu, mình cao một thước tám”. Năm 2007, một nhân vật ở Quảng Ngãi đã
gởi cho bà Tạ Thu Thâu ở Pháp một thẻ căn cước của Tạ Thu Thâu do chánh
quyền Pháp cấp ngày 8-4-1926. Di vật này được một chứng nhân lưu giữ sau
khi Tạ Thu Thâu bị giết ở bờ biển Mỹ Khê. Căn cước ghi: “Tạ Thu Thâu,
Giáo sư, sanh năm 1904, cao 1m 73”. (T.N.P.)
No comments:
Post a Comment