Thành phố Sài Gòn, sau những tháng dài chìm trong khói lửa chiến tranh,
nay đã có một gương mặt khác. Sự thay đổi không phải chỉ nhận thấy ở
cảnh vật bên ngoài mà hình như lúc nào cũng thấy bàng bạc trong tâm tư
của những người hồi cư. Ý tưởng so sánh những sự việc ngày trước và bây
giờ lúc nào cũng thấy xảy đến trước các tình huống mới. Ðặc biệt nhất là
vì các thay đổi vật chất. Trong suốt các năm tháng của thời Ðệ nhị Thế
chiến, vì giao thông với Âu châu và nhất là Pháp bị gián đoạn nên dân
chúng đã tìm cách vận dụng các sản phẩm nội địa để thay thế các sản phẩm
không còn được nhập cảng. Bột bắp và bột gạo chẳng hạn đã được pha trộn
theo nhiều công thức để làm bánh mì, thay thế bột mì rất khan hiếm trên
thị trường. Quần áo phần nhiều được may cắt bằng các loại vải sản xuất
trong nước, loại vải thường được gọi là “vải 8”, sần sùi, trông thô kệch
nhưng rất chắc chắn.
Nay thì trên các chợ, dân chúng đã thấy bắt đầu kén chọn, thích mua bánh
mì làm bằng bột mì nhập cảng, được những người được phát “bon” để mua
nhưng đã được đem bán ra từ những lò bánh mì mới, có tên lạ như Vita,
Moderne... Một số đông dân chúng nay đã may mặc áo quần với vải sồ đắt
tiền, nhiều màu sắc hơn. Những chiếc xe đạp mới nhập cảng nhất là hiệu
Peugeot, là niềm hãnh diện của các chủ nhân tốt số đã lãnh được phiếu
mua xe.
Các trường công và tư đã được khuyến khích mở cửa hoạt động trở lại.
Trung học Petrus Ký đã trở về vị trí trước kia ở đường Nancy nhưng không
còn tiếp tục mở các lớp Cổ điển La tinh Métro (Métropolitain) hay Cổ
điển Viễn Ðông É.O.(Extrême-Orient) vì thiếu giáo sư? Nhiều khóa thi đặc
biệt về Tú tài (Session spéciale) đã được tổ chức như ở Pháp cho các
thanh niên đã phải bỏ học vì chiến tranh. Chương trình học dự thi được
thâu ngắn nên nhiều học sinh Việt Nam tốt nghiệp bằng Thành Chung đã ghi
tên và thi đậu Tú tài rất dễ dàng. Nhiều bạn quen đã thúc giục Triệu
ghi tên đi thi nhưng ông ngoại của Triệu khuyên Triệu chỉ nên tiếp tục
học như thường lệ, không nên chọn con đường “đi tắt”vì sẽ thấy thiếu căn
bản nếu tiếp tục lên cấp Ðại học.
Triệu đã thăm dò, định trở lại ghi tên xin học lại ở Petrus Ký nhưng ở
các lớpTú tài, phần lớn các học sinh nay đều là những gương mặt mới. Rất
ít những bạn cũ ngày xưa đã trở lại, phần nhiều vì đã hoặc đi vào khu
theo kháng chiến, hoặc đã tản lạc về quê. Một số bạn khác đã bỏ mình
trong thời biến động. Ðau thương nhất là tin hơn mười bạn cũ của Triệu ở
Gò Công, những người bạn có tâm huyết một lòng yêu nước, lại bị chánh
quyền Việt Minh đem ra xử tử ở sân Vận động của tỉnh! Các bạn này, như
Trần Thanh Mậu, Dương Văn Ðức, Nguyễn Văn Phương ở làng Vĩnh Lợi...,
trước kia đã có công vận động đánh thức lòng yêu nước của dân chúng tỉnh
bằng cách tổ chức những buổi trình diễn văn nghệ theo những kinh nghiệm
đã làm ở thủ đô Sài Gòn dưới sự hướng dẫn của các sinh viên từ Hà Nội
trở về.
Làm được những việc này trong thời thực dân Pháp còn đang ngự trị là một
việc cần nhiều can đảm. Việt Minh, có lẽ vì sợ các bạn trẻ này có thể
lôi cuốn quần chúng hơn họ là những người từ trong bóng tối đi ra, nên
họ đã gán ghép cho các thanh niên bồng bột này những lý do nào đó để có
cớ thủ tiêu họ? Triệu được biết là để giải cứu các bạn này, đảng Tân Dân
Chủ đã phái Ðặng Ngọc Tốt về Gò Công can thiệp nhưng đã chẳng có kết
quả gì. Tốt chỉ có được phép ôm vỗ về các anh em này trước giờ hành
quyết mà thôi! Các anh bạn này ngày trước vẫn vui đùa, rủ Triệu phải cố
gắng tìm dịp về thăm Gò Công để các anh đãi cho món ăn đặc biệt: bánh
giá Gò Công. Vì câu nói đó mà mỗi lần có dịp được ai đó mời ăn bánh giá,
Triệu đã phải xin chối từ trước vì đã có nhiều lần đã phát khóc nhớ các
bạn cũ trước dĩa bánh.
Một số đông các giáo sư danh tiếng cũ của trường Petrus Ký cũng không
còn trở lại dạy. Một số đã đi vào khu theo kháng chiến như giáo sư Phạm
Thiều, Nguyễn Văn Chì, Nguyễn Văn Chí, Lê Văn Cẩm, Ðặng Văn Trứ v.v...
Một số khác hình như chưa có ý định hợp tác với chánh quyền mới nên còn
lánh mặt. Trong khi đó, ở trường Chasseloup Laubat, trước kia vốn chỉ
nhận học sinh có quốc tịch Pháp nay lại đồng ý thâu nhận học sinh Việt
có học bạ tốt nên Triệu đã xin ghi học ở đây. Ðặc biệt trường nay lại có
được ban giáo sư mới, phần đông tốt nghiệp ở các Ðại học danh tiếng của
Pháp. Các giáo chức mới này phần đông thuộc thành phần trẻ, tốt nghiệp
sau Ðệ Nhị Thế Chiến, tâm hồn rất cấp tiến, chưa nhiễm thói của thực dân
Pháp kém học thức trước kia. Các giáo sư dạy Pháp văn lại rất có cảm
tình với Triệu sau khi đọc các bài luận của Triệu. Họ cứ vặn hỏi xem
Triệu đã từng học với các giáo sư nào mà được uốn nắn viết tiếng Pháp
trôi chảy như vậy. Triệu phải thú thật là từ trước, Petrus Ký thuộc loại
trường Trung học bổn xứ nên giáo sư Pháp văn mỗi năm vẫn thay đổi
thường xuyên. Triệu vì thế, không có được một giáo sư nào là vị thầy
chánh. Triệu viết Pháp văn khá có lẽ nhờ mượn được sách đọc của tủ sách
của gia đình Nguyễn An Ninh ở đường Hàng Thị Gia Ðịnh và cũng có thể là
vì đã thích thú đọc tới đọc lui trên hơn nhiều lần bộ “Les
Misérables”của nhà văn Victor Hugo nên đã nhiễm được lối hành văn của
tác giả nầy?
Thế là từ nay, Triệu ngày hai buổi đạp xe đến trường, gặp gỡ nhiều bạn
học mới, phần đông thuộc những gia đình của giai cấp thượng lưu Sài Gòn.
Lề lối ăn mặc, luận điệu nói năng của các bạn này khiến Triệu cảm thấy
mình như bị hụt hẫng đi lạc vào một thế giới xa lạ. Chỉ có những khi đến
thơ viện thành phố tìm tài liệu, gặp lại một số bạn cũ trường Petrus
Ký, kiểm điểm lại những gương mặt kẻ còn người mất, những thăng trầm của
những tháng năm tao loạn... Triệu mới thấy thật sự đã sống lại cái
không khí phù hợp với quá khứ của mình. Triệu cảm thấy cuộc sống trong
một thế giới tương đối thanh bình của thành phố, trong khi cuộc tranh
đấu giành độc lập của dân tộc vẫn đang tiếp diễn, là một chuyện trái
khoáy.
Nhờ được có cơ hội gặp lại các bạn cũ, trao đổi tin tức, biết được một
phần nào tình hình chiến sự. Lần lần Triệu đã nắm bắt lại được những
đường dây liên lạc với các tổ chức đang bí mật hoạt động ở nội thành.
Triệu bắt đầu thấy tâm tư nay đã bớt các thắc mắc, bớt cái mặc cảm đã bỏ
rơi các bạn còn đang chiến đấu. Triệu đã ý thức được là cuộc tranh đấu
có nhiều phương thức, nhiều mặt để hỗ tương cho nhau.
Ngoài cái tin đau buồn về trên mười bạn học trường Petrus Ký đã bị Việt
Minh xử tử ở Gò Công, Triệu đã biết được việc Trần Văn Giàu và Dương
Bạch Mai đã thủ tiêu bao nhiêu những nhà ái quốc mà Triệu đã từng mến
phục trước kia như Hồ Văn Ngà, Huỳnh Văn Phương, Dương Văn Giáo, bác sĩ
Nguyễn Ngọc Sương, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phan Văn
Chánh..v.v... Ðặc biệt nhất là việc người phải bỏ mạng trước ngày khởi
đầu Nam Bộ Kháng Chiến, không phải do thực dân Pháp giết mà lại do các
sát thủ trong toán “Công tác thành” của Dương Bạch Mai. Người đó là
Nguyễn Văn Vững, thủ lãnh Thanh niên Tiền phong vùng Ða Kao, thơ ký Ủy
ban Sài Gòn-Chợ Lớn của nhóm Tranh Ðấu. Ông Vững đã bị bắn khi đi làm
về, vừa dựng xe trước nhà ở đường Albert 1er (Ðinh Tiên Hoàng). Ông phụ
trách lớp đào tạo thanh niên do Phan Văn Hùm chủ xướng và là người đã
dẫn dắt Triệu vào cõi tư tưởng cách mạng đấu tranh bằng những bài vui
nhộn như “Cộng sản có phải là xúc lúa, bắt heo?”, các bài lý luận Duy
Tâm, Duy Vật, Biện Chứng Pháp..., cách thức tổ chức, huy động quần
chúng... Triệu vui mừng bắt liên lạc lại với vài đàn anh nhóm Tranh Ðấu
còn sót lại, những người đã thoát qua được đợt sát hại của Cộng sản Ðệ
tam. Ðặc biệt anh L.B.P., một giáo chức cao cấp nhưng có cuộc sống bình
dị với đàn em, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc. L.B.P. đã bắt liên lạc
được với các anh em công binh từ Pháp về và chuyển các tài liệu, sách
báo phát hành ở Pháp, nung nấu lại nhiệt huyết của giới trẻ đối với tiền
đồ cách mạng thế giới. Mỗi lần thân mẫu của L.B.P. từ Cần Giuộc đem cho
anh P. đặc sản mắm tôm là đám trẻ lại có một phen hội họp vui nhộn như
thời còn theo học lớp huấn luyện chánh trị của ông Phan Văn Hùm, Lê Văn
Vững.
Anh Ðỗ Cao Minh, bạn của Triệu khi còn theo học Sơ học ở Biên Hòa cũng
như suốt bốn năm nội trú ở Petrus Ký, tình cờ một hôm gặp lại Triệu ở
Thư viện Thành phố, đã cho Triệu biết anh đã bí mật liên lạc với một số
anh em tâm huyết, thành lập Liên đoàn Sinh viên-Học sinh Sài Gòn Chợ
Lớn. Minh thuộc một gia đình của ông Ðỗ Cao Lụa ở Bến Gỗ, Biên Hòa, một
họ danh gia thế tộc. Ðỗ Cao Trí, em của Minh về sau sẽ là một danh tướng
tài ba miền Nam. Vì đã biết Triệu từ nhiều năm trước nên Minh không
ngần ngại rủ Triệu gia nhập tổ chức. Ðỗ Cao Minh đã giải thích việc cần
có một tổ chức thanh niên để góp phần vào cuộc tranh đấu chung. Một số
bạn trẻ đã hoang mang, đứng bên lề cuộc chiến khi chứng kiến việc những
người Cộng sản trong tổ chức Việt Minh đã cố tình phá bỏ những tổ chức
không do họ nắm giữ. Trần Văn Giàu đã nắm được thế thượng phong để giành
chánh quyền bằng cách lợi dụng tổ chức Thanh Niên Tiền Phong nhưng sau
đó, đã theo mạng lịnh của Hà Nội, thành lập Thanh Niên Cứu Quốc. Thanh
Niên Tiền Phong đã bị nhóm Trần Văn Giàu khai tử, không kèn, không
trống, từ lúc nào không ai được biết! Việc làm theo lối này, Triệu đã có
cơ hội nhận thấy lúc Tướng Nguyễn Bình được Hồ Chí Minh chỉ định vào
Nam Bộ. Vào thuở đó, Trần Văn Giàu lẫn Dương Bạch Mai đều bỏ Nam Bộ lên
đường ra Bắc. Tổ chức quân sự ở miền Nam lâm vào tình trạng rã rời từng
mảnh. Lực lượng kháng chiến được xây dựng lại trong một buổi hội ở Bà
Quẹo ngày 2 tháng 4 năm 1946 để thành lập Ủy ban Liên hiệp Kháng chiến.
Tiếp đó, ngày 20 tháng Tư, trong một buổi họp kéo dài 3 ngày trong đó
Nguyễn Bình đã phái giáo sư Phạm Thiều đại diện đến tham dự. Mặt trận
Quốc Gia Liên Hiệp đã được thành lập để huy động các thành phần đảng
phái, tôn giáo, quần chúng vào cuộc tranh đấu chung. Ông Huỳnh Phú Sổ
được cử làm Chủ tịch với bí danh Hoàng Anh, Vũ Tam Anh, phó Chủ tịch,
Mai Thọ Trân, Cộng sản Ðệ Tam làm Tổng Thư ký, Huỳnh Văn Trí, Ủy viên
Quân sự... Nhận thấy Mặt trận này không do đảng Cộng sản chủ động nên Hồ
Chí Minh đã ra chỉ thị cho Nguyễn Bình phải giải tán để thay thế bằng
Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam (Liên Việt), thành lập ở Bắc, ngày
25-5-1946. Việc đột ngột thay đổi chủ trương này đã khiến Nguyễn Bình,
chân ướt chân ráo mới vào miền Nam, đã phải một phen mất mặt với các
đoàn thể không Cộng sản ở Nam Bộ!
Anh Ðỗ Cao Minh đã gầy dựng Liên đoàn Học sinh, trong chiều hướng quy tụ
những thanh niên không thích gia nhập Thanh niên Cứu Quốc của Việt
Minh. Vì chỉ liên hệ với thành phần học sinh, nên phạm vi hoạt động của
Liên đoàn tương đối quá giới hạn, mặc dầu anh Minh đã tìm được một số
anh em hoạt động rất hăng say như Hồ Thái Bạch, Thới “đen” v.v...
Nhu cầu cần có những tổ chức không “đỏ” như Việt Minh, đã là ưu tư của
một số nhân sĩ. Do đó, một hôm Triệu được những bạn sinh viên mời tham
gia một buổi hội dự định tổ chức một đoàn thể mới để đáp ứng với tình
thế. Các anh này vốn đã từng gia nhập đảng Tân Dân Chủ, nhưng sau này đã
bỏ hàng ngũ vì nhận thấy một số đông anh em lãnh đạo đảng đã bị Cộng
sản Ðệ Tam thao túng. Buổi hội được tổ chức ở một biệt thự có sân rộng
bao quanh, khá kín đáo ở vùng Lò Heo Cũ, Gia Ðịnh. Vì mỗi lần tụ họp là
một lần khó khăn nên buổi hội, trước được dự định sẽ kết thúc trong một
ngày, lại phải kéo dài hơn hai ngày mới hoàn tất.
Ðó là buổi hội khai sanh tổ chức Nam Bộ Thanh Niên Phục Quốc, được gọi
tắt là Nam Thanh Phục. Nam Thanh Phục gồm nhiều thành phần thanh niên ở
nhiều giới, nhiều đoàn thể, tôn giáo... nên tầm hoạt động rộng hơn Liên
Ðoàn Học Sinh. Sau khi bắt đầu hoạt động, vì danh từ “Phục Quốc” đã đưa
đến ngộ nhận tổ chức mới này có thể có liên hệ đến tổ chức Phục Quốc
Ðồng Minh Hội ở Bắc nên trong một buổi Ðại hội Khoáng đại, danh xưng
được cắt gọn lại thành Nam Bộ Thanh Niên Ðoàn, tên tắt là Nam Thanh Ðoàn
và cuối cùng được ngắn gọn gọi là Nam Thanh.
Ðể có tài chánh hoạt động, các chị em trong Ðoàn đã tình nguyện đứng ra
buôn bán gạo thóc, rau cải, vải sồ... ở các chợ. Tập san Nam Thanh, phổ
biến tin tức kháng chiến và hoạt động các đoàn thể được phát hành, trước
tiên phải viết tay, hay đánh máy trên giấy sáp để in theo lối thủ công
học được do các anh được gởi vào khu, thực tập ở nhà in “Chống Xâm
Lăng”. Báo “Chống Xâm Lăng” lại do Nguyễn Văn Ðính, một đồng chí của Tạ
Thu Thâu phụ trách nhưng ông Ðính đã giữ tông tích rất kín! Một thời
gian về sau, nhân bắt liên lạc và thâu nạp vào đoàn thể một số anh em
công nhân giúp việc in ấn cho một tổ chức tôn giáo Cơ Ðốc của Mỹ ở Phú
Nhuận nên tập san được in lén, sáng sủa hơn. Giấy sáp stencil, giấy in,
mực in, máy in của cơ sở tôn giáo được lén lút sử dụng in báo Nam Thanh.
Có thể người quản lý Mỹ cũng biết nhưng đã làm ngơ để giúp kháng
chiến?. Triệu nhận lãnh phụ trách thực hiện tập san nên đã mất nhiều
công sức cho việc này nhưng cũng nhờ vậy nên đã học được kinh nghiệm tập
tành viết lách.
Báo chí bí mật trong thời gian khởi đầu chỉ cốt để hô hào toàn dân tham
gia kháng chiến, thông báo tin tức chiến sự, các chỉ thị của Ủy ban Nhân
dân Nam Bộ nên hình thức in ấn chỉ ở mức độ tầm thường. Duy chỉ có một
lần, tổ chức của Triệu đã có sáng kiến bán để gây quỷ nhân dịp Tết, một
tài liệu tuyên truyền in rất mỹ thuật, viết bằng tiếng Pháp, nhằm phổ
biến trong giới trí thức Việt, Pháp ở thành.
Trong tuyển tập thơ này, vì thích văn nghệ nên Triệu đã nhớ mãi hai bài,
được viết theo thể thơ “sonnet” của Pháp. Một bài viết về bưng biền:
MAQUIS
Ceux qui, rageusement le voudraient nettoyer,
Ne voient dans le maquis que mort et que traitrise,
Le buisson peut celer de cruelles surprises,
L’arbre, muet, narquois, semble les défier.
Pour nous les maquisards, les arbres sont des frères,
Chaque fourré touffue nous protège et nous aime,
L’herbe est hospitalière et le ruisseau lui-même,
Vient nous chanter le monde où s’inquiètent nos mères.
Quand vient le soir, que la rage ennemie désarme,
Assis en rond, heureux, sous l’emprise d’un charme,
Nous contons de nos morts les immortels exploits.
La nuit est tout à nous. C’est alors que, sans bruit,
Sans que vibre le sol, marchant sur l’ennemi,
De l’espace et, du temps, les maquisards sont roisá!
Bài thơ này đã được thi sĩ Sóng Việt Ðàm Giang dịch nghĩa:
Bưng biền
Những kẻ quyết tâm càn quét bưng biền,
Chỉ thấy đó toàn chết chóc và phản bội,
Bụi bờ kia che được tàn bạo bất ngờ,
Cây cối lặng thinh ngạo nghễ, như thách đố.
Với ta dân bưng biền, cây cối là anh em,
Mỗi bụi rậm cho che chở và mến thương,
Ðồng cỏ và suối chảy tràn đầy thiện cảm,
Hòa ca trong thế giới mà phụ mẫu lo âu.
Chiều xuống, khi kẻ thù hung dữ buông vũ khí,
Vui, ngồi thành vòng, ảnh hưởng bởi chút duyên,
Ta kể nhau nghe chiến công bất tử của những kẻ nằm xuống.
Ðêm là của chúng ta, là lúc lặng như tờ,
Là không làm đất rung, ta tiến tới kẻ thù,
Là không gian, thời gian mà dân bưng biền làm hoàng đế!
(Sóng Việt phỏng dịch
Ngày 2 tháng 9 năm 2008)
Bài thứ hai là một bài địch-vận, để nói khích quân nhân Pháp:
LA FIN D’UN BEAU VOYAGE
Un jour, quand vous retournez à vos foyers,
Vous direz, les yeux lourds de vastes horizons,
Vos aventures, vos exploits, vos randonnées,
Et de votre combat, les plus hautes lecons.
Vous conterez comment une immense ferveur,
Vous mena, victorieux, d’Afrique en Italie,
De Bayeux à Berlin, avec quel doux bonheur,
Vous redonniez la gloire à la France meurtrie
Le cercle de famille, émerveillé, dira:
“Mais c’est une Épopée que ce siècle inscrira!
Dites nous, maintenant, la fin de votre histoire”
Alors, baissant les yeux, lourds cette fois de honte:
“Au pays du Viet Nam, contre un people qui monte,
Contre la Liberté, nous luttâmes sans gloire”
14 Juillet 1946
P.N.T.
Ðoạn kết của một cuộc hành trình đẹp
Một ngày khi anh trở về nhà xưa
Ðôi mắt nặng trĩu những chân trời bát ngát
Anh sẽ nói hứng khởi vô cùng kìa những cuộc phiêu lưu
Những thám hiểm, những du hành
Những chiến cuộc, những bài học đắt giá
Anh sẽ kể vì sao một cơn sốt lớn lao
Ðã mang lại chiến thắng từ Phi châu đến Ý Ðại Lợi
Từ Bayeux đến Berlin với biết bao hạnh phúc êm đềm
Anh mang trở lại vinh quang cho một nước Pháp bầm dập
Tuyệt quá nhỉ ngạc nhiên vòng gia đình quây quần sẽ thốt:
- Thì đó là một Chiến công hiển hách thế kỷ ghi danh!
Nào bây giờ hãy cho biết đoạn kết cậu chuyện đi
Lúc đó, hạ thấp đôi mắt, lần này nặng trĩu trong xấu hổ:
- Ở Việt Nam, chống lại lòng dân đang lên cao
Thêm phản Tự do, chúng tôi đã chiến đấu không vẻ vang
Một ngày anh trở về
Mắt đầy chân trời rộng
Hào hứng kể phiêu lưu
Nào thám hiểm du hành
Nào chiến cuộc đắt giá
Kể cơn sốt chiến thắng
Từ Phi đến Ý quốc
Bayeux đến Berlin
Vinh quang cho Pháp quốc
Một Pháp quốc bầm dập
Ngạc nhiên người nghe thốt:
- Chiến công tuyệt thế kỷ
Thế kết cuộc ra sao á?
Ngượng ngùng anh cúi mặt:
- Chiến đấu chống người Việt
Pháp chống lại Tự do,
Nào có vẻ vang chi.
(Sóng Việt phỏng dịch
Ngày 2 tháng 9 năm 2008)
Trần Ngươn Phiêu
No comments:
Post a Comment